mercredi 20 mars 2013

Noël đẫm máu của Ceausescu (2)

Chiếc trực thăng chở vợ chồng Ceausescu chạy trốn.

« Con chim » (mật danh điện đàm của chiếc trực thăng) đáp xuống lần đầu tiên ở Snagov, phía bắc thủ đô, rồi 20 phút sau lại cất cánh để đi tìm một nơi trú ẩn an toàn. Nicolae Ceausescu chọn Targoviste, thành phố công nghiệp nằm cạnh một khu vực dầu khí, dưới chân núi Carpates. Cuối cùng chiếc trực thăng đậu lại giữa một cánh đồng nằm dọc quốc lộ số 7 ở Salcuta, cách một đơn vị quân đội vài cây số.

Lần đầu tiên đôi vợ chồng Tổng bí thư Rumani, trong trang phục sang trọng, giầy đánh véc-ni bóng loáng, mới thực sự tiếp xúc với thực tế của đất nước mà tài nguyên đã bị xuất khẩu để trả nợ, dân chúng đói khát. « Tôi đã cố lục soát trí nhớ, nhưng ngay cả trong một nước Pháp bị quốc xã chiếm đóng, tại Liên Xô hay một đất nước cộng sản nào khác mà tôi đã đến thăm, tôi chưa từng thấy cảnh khổ sở như thế ». Jean-Marie Le Breton, vào thời đó đang là đại sứ Pháp ở Rumani đã viết như thế trong cuốn sách « Hồi kết của Ceausescu, lịch sử một cuộc cách mạng ».


Ngày 22/12 đó, vào khoảng 13 giờ, Marius Popescu, giám đốc một đơn vị nông nghiệp quốc doanh cùng với kế toán trưởng và một thu ngân trở về từ làng bên, trên chiếc xe máy cày. Tại ngân hàng, họ đã phải đấu tranh dữ dội để nhận được tiền lương cho nhân viên, và ở đó, qua đài phát thanh họ đã nghe tin về cuộc chạy trốn của nhà độc tài. Popescu bỗng nhận ra chiếc trực thăng đậu cách mặt đường nhựa 20 mét, sau những thân cây. Ông phát hiện ra một Ceausescu đang « mềm rũ ».

Giờ đây đã về hưu, Popescu kể lại, vẫn còn bàng hoàng về cuộc gặp bất ngờ này : « Chiếc cằm của ông ta run lên cầm cập, bà ta thì đỡ hơn. Đã có một kế hoạch quy mô, đóng cửa các biên giới để ngăn trở họ trốn thoát. Thế mà họ đang ở đây, hai con người già nua bên đường quốc lộ, đang đón xe quá giang… »

Hai mươi ba phút sau, hai vợ chồng Ceausescu thành công trong việc trốn thoát khỏi vòng vây của các nông dân mỗi phút một tiến gần. Họ nhảy lên một chiếc xe chạy ngang qua, cùng với người cận vệ. Ông ngồi cạnh tài xế, còn bà ngồi băng sau. Vị bạo chúa thất thế hy vọng đến được Targoviste để mong các công nhân xí nghiệp liên hiệp ở đó bảo vệ. Popescu đã báo động bằng cách gọi cho…đài truyền hình.

Hai vợ chồng ông Ceausescu được Nữ hoàng Anh Elisabeth tiếp đón năm 1978.
Tại Bucarest, phòng thu số 4 đã trở thành cơ quan đầu não của Mặt trận Cứu quốc, tổng hành dinh của phe nổi dậy. Tại đó có các thành viên của giới quan chức cao cấp bị nghi ngờ là đi chệch hướng (như Illiescu theo khuynh hướng Gorbachev, hay Petre Roman thân Pháp, Thủ tướng tương lai) ; những người tình nguyện như nhà địa chất học Gelu Voican Voiculescu, các nhà thơ, và các nhà đối lập.

Lịch sử diễn ra trực tiếp, được truyền hình trên toàn thế giới ; trong khi ở những đường phố bên cạnh, những tay súng bắn tỉa nổ súng gây căng thẳng cho chính phủ non trẻ. Cách đó 100 cây số, băng qua vùng đồng trống rồi lẩn vào rừng, hai vợ chồng Ceausescu đến được một doanh trại quân đội, nơi đơn vị phòng không 01417 đồn trú.

Trung úy Iulian Stoica, lúc đó « 29 tuổi 11 tháng 2 tuần » nhớ rất rõ, họ đến một cách bí mật trong chiếc xe Aro (loại xe địa hình do Rumani sản xuất) màu trắng, sau 18 giờ 30. « Khi lục soát, thì thấy ông ấy mang theo một cuốn agenda và một cây bút, còn bà ta thì một túi xách nữ. Tất cả chỉ có thế ». Cho dù đã có lệnh đề phòng họ tự tử, hai vợ chồng vẫn được ngủ cùng giường trong đêm 23 rạng 24. Stoica, được chỉ định canh gác cùng với một đồng đội, kể lại : « Đến hai giờ sáng thì họ mới ngủ, ôm chặt lấy nhau ».

Hôm sau Ceausescu lấy lại được tinh thần. Ông ta hết đe dọa lại hứa hẹn tiền bạc, thăng cấp cho những người đang canh giữ ông để đổi lấy tự do. Nhà độc tài từ chối ăn mỡ trong món thịt heo mà người ta dọn cho ông, vì chứng tiểu đường. Những người lính di chuyển hai vợ chồng ông ta từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, bằng xe com-măng-ca hay xe bọc thép, tránh xa mọi ánh mắt để phòng ngừa bị hành hung hay được giải cứu. Trong tình trạng hỗn loạn, đủ loại tin đồn lan ra : sự can thiệp của các dân quân Libya, nước bị bỏ thuốc độc, một hố chôn người được phát hiện tại Timisoara…

Bị hành quyết vội vã
Số phận Ceausescu được quyết định hôm 24/12. Trong Mặt trận Cứu quốc có nhiều ý kiến khác nhau, và rốt cuộc chọn lựa một « phiên tòa ». Người ta vội vã lập ra một tòa án. Công tố viên của Viện Kiểm sát quân sự, Dan Voinea, lúc đó 39 tuổi, soạn bản cáo trạng vào buối sáng 25/12. Ông khẳng định : « Tôi không hề nhận được một mệnh lệnh nào. Nhưng trước những tội danh đã được định ra : diệt chủng, tội ác chống nhân loại, phá hủy nền kinh tế quốc gia, chỉ có thể là án tử hình mà thôi ».

Trong cái thời kỳ hỗn quân hỗn quan đó, chẳng thể tin được ai, tướng Stanculescu ra lệnh phong tỏa không phận. Sáng 25/12, ông nhảy lên một trong năm chiếc trực thăng cất cánh từ sân vận động Ghencea. Đội ngũ gồm các thẩm phán, thư ký tòa, quân nhân, mang theo một dải lụa dài màu vàng để khi đến gần doanh trại thì tung ra về phía tay phải, tránh mọi hiểu lầm. Các trực thăng bay sát những đường dây điện cao thế và các giếng dầu, hy vọng đánh lừa được radar. Bên trong, những trái tim đập rộn ràng kèm theo nỗi lo sợ : Apocalypse Now…Giờ phán xét cuối cùng sắp đến.

Tòa án mà nhà độc tài cho rằng bất hợp pháp, đã xếp đặt cho hai vợ chồng Ceausescu ngồi sau hai chiếc bàn gỗ, trông giống bốn mảnh áo quan một cách tàn nhẫn. Gần một giờ đồng hồ sau đó, những lời nói cuối cùng của các bị cáo bị lấp đi bởi những tràng súng liên thanh bắn vội vã. Trên phim người ta trông thấy những dáng hình mờ mờ nằm trên bụi đất, dưới chân một bức tường : người quay phim bận thay pin mới, đã chậm tay hơn ba người lính dù phụ trách việc hành quyết. Khi quay lại Bucarest, hai cái xác đã được nhanh chóng gói trong những mảnh vải lều. Bị bỏ mặc không ai canh giữ, hai xác chết này đã « mất tích » trong nhiều giờ, khiến cho mọi người hoảng loạn.

Mộ của Nicolae Ceausescu
Khi nhớ về các điều kiện xét xử, Dan Voinea, cựu công tố viên nay là giáo sư đại học, cực lực tố cáo « một cuộc cách mạng bị tước đoạt » bởi những lãnh đạo nổi dậy. « Ceaucescu đã bị hy sinh để bảo vệ bộ máy cầm quyền, và chạy tội cho hệ thống. Chúng tôi đã mất đi cơ hội có được một phiên tòa lịch sử để xét xử chủ nghĩa cộng sản ».

Khi màn đêm buông xuống hôm 25/12 ấy, cuối cùng tình hình cũng ổn định trở lại (có tất cả 1.100 người bị giết chết trên cả nước). Ông chủ câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Steaua của Rumani còn yêu cầu tướng Stanculescu thiết lập lại trật tự. Nhưng trong Bucarest nay đã trở thành một thành phố mở, nước máy đã bị cúp. Y như trong thời chiến, vị tướng cầm lấy một chai rượu whisky và rửa tay. Ông nói với nụ cười buồn : « Cũng như Ponce Pilat, chỉ khi ngồi vào bàn ăn tôi mới nhớ ra hôm nay là Noel… »

Năm ngày sau đó, tại nghĩa trang Ghencea, những người lính phủ lên hai chiếc quan tài một lớp đất đen. Cuối cùng thì tuyết cũng rơi xuống, bao trùm lên như một lớp vải liệm trắng toát.

Mời đọc lại:

Noël đẫm máu của Ceausescu (1)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.