mercredi 24 avril 2013

Miến Điện : Sự can đảm của Tổng thống Thein Sein trước xung đột tôn giáo

Cảnh sát chống bạo động tại Meiktila ngày 22/03/2013.
Bài đăng : Thứ tư 24 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 24 Tháng Tư 2013 
Trong bài viết mang tựa đề « Liên hiệp châu Âu bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Miến Điện », thông tín viên của Le Monde tại Bangkok nhận định, đất nước này còn phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt là các xung đột chủng tộc và tôn giáo. Khi tỏ ra kiên quyết chống kỳ thị người Hồi giáo, Tổng thống Thein Sein đã có thái độ can đảm, vì thế lực Phật giáo rất mạnh.

Hôm 22/4, Liên hiệp châu Âu đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế áp đặt lên tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện – mà nay đã giải tán, đánh dấu thêm một giai đoạn mới trong sự quay lại của Miến Điện trên trường quốc tế. Được đưa ra năm 1997 và củng cố thêm năm 2007, các biện pháp này nhắm vào 5.000 người Miến Điện bị cấm nhập cảnh vào châu Âu, và 800 doanh nghiệp.

Thật ra các biện pháp trừng phạt này đã được tạm ngưng cách đây một năm, và nay chỉ còn cấm vận về vũ khí, trong một đất nước mà xung đột quân sự vẫn tiếp diễn, đặc biệt là đối với các nhóm ly khai người Kachin theo đạo công giáo ở miền bắc đất nước.


Thông báo dỡ bỏ cấm vận được đưa ra vào thời điểm mà tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công bố bản báo cáo chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Miến Điện. Đề cập đến bạo động tôn giáo xảy ra hai lần trong năm 2012, giữa người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo và các Phật tử cực đoan, HRW lên án chính quyền « thanh lọc chủng tộc » và « phạm tội chống nhân loại ». Do bạo lực tại bang Arakan, hơn 120.000 người đã phải đi sơ tán, và khoảng 180 người thuộc cả hai phe đã bị sát hại.

Báo cáo nêu rõ : « Tất cả các lực lượng an ninh tại Arakan – kể cả cảnh sát địa phương, lực lượng chống nổi dậy (lon thein), cảnh sát biên phòng (nasaka), quân đội và thủy quân lục chiến – đều giữ thái độ hoặc là không ngăn trở các hành động tàn bạo, hoặc tham gia trực tiếp ». Một ví dụ cụ thể là vụ thảm sát hôm 23/10 tại làng Yan Thei, khiến ít nhất 70 người Rohingya thiệt mạng.

HRW tố cáo : « Cho dù vụ tấn công đã được báo trước, chỉ có một số ít cảnh sát chống nổi dậy, cảnh sát địa phương và quân nhân có mặt để làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh. Thực tế họ đã tạo điều kiện cho vụ thảm sát, khi tịch thu gậy gộc và các loại vũ khí thô sơ khác mà người Rohingya trang bị để tự vệ ».

Theo Le Monde, khó thể xác định trách nhiệm cá nhân của Tổng thống Thein Sein, nay được tiếng là một nhà cải cách. Số 800.000 người Rohingya, hầu hết không có được quốc tịch Miến Điện, từ lâu đã là mục tiêu bị trấn áp, nhiều lần phải trốn sang nước Bangladesh láng giềng. Nhưng tiến trình dân chủ hóa cũng đã mở ra cánh cửa cho hận thù tôn giáo, giúp người dân địa phương có thể bộc lộ tình cảm của họ, thường là với sự đồng lõa của chính quyền.

Người lãnh đạo cao nhất của chính phủ không có lợi ích gì qua tình hình căng thẳng trong một đất nước mà tất cả các tôn giáo lớn đều hiện diện, và có đến 135 tộc người được ghi nhận. Tổng thống Miến Điện đã phản ứng cứng rắn hôm 29/3, lúc một đợt tàn sát người Hồi giáo vừa xảy ra tại Meiktila ở miền trung. Trên truyền hình, ông cảnh cáo « chiến dịch hận thù » sẽ không được dung thứ. Đây là một thông điệp rất rõ ràng gởi đến một đảng chính trị ở Arakan được một số nhà sư Phật giáo ủng hộ.

Le Monde dẫn nhận định của một số người, cho là tuyên bố này của ông Thein Sein rất « can đảm », trước ảnh hưởng to lớn của « Sangha », tức cộng đồng Phật giáo tại Miến Điện.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Tổng thống Miến Điện dường như vẫn chưa thể khuất phục được các quân nhân. Sau khi ra lệnh cho quân đội ngưng bắn với các chiến binh ly khai năm 2012, chiến tranh vẫn tiếp diễn.
Nhật Bản cứng rắn trước Trung Quốc về chủ quyền biển đảo

Cũng liên quan đến châu Á, thông tín viên nhật báo cánh tả Libération chơi chữ « Quần đảo Senkaku : Bắc Kinh ra biển, Tokyo lên mây xanh », nhấn mạnh đến thái độ kiên quyết của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi các tàu hải giám Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng biển này.

Xung đột Nhật-Trung có vẻ đang trong vòng kiểm soát, bỗng dưng chưa đến 24 tiếng đồng hồ, căng thẳng lại bùng lên với việc 8 tàu hải giám Trung Quốc đồng loạt tiến vào Senkaku/Điếu Ngư – một sự kiện từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Trung Quốc luôn duy trì sự hiện diện của họ tại đây, nếu không cho tàu bè xâm nhập thì gởi phi cơ bay qua không phận, nhưng chưa bao giờ cho các tàu chính thức ồ ạt đi vào như thế.
Nếu Bắc Kinh chủ trương duy trì căng thẳng, thì Tokyo cũng không kém cạnh. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhắc nhở, Senkaku luôn nằm dưới sự « kiểm soát tích cực » của Nhật Bản, và nếu Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này thì đương nhiên Nhật sẽ dùng vũ lực để xua đuổi.

Bốn tháng sau khi nhậm chức, ông Abe phải chỉ đạo một hồ sơ gai góc do người tiền nhiệm để lại. Sự kiện trên xảy ra vào thời điểm ông Shinzo Abe chuẩn bị đến công du Nga từ Chủ nhật tới, đặc biệt là để nêu ra một hồ sơ nhạy cảm khác : đó là quần đảo Kuril, đang do Matxcơva quản lý và Tokyo đòi hỏi chủ quyền. Nhưng trên mặt trận phía bắc, Thủ tướng Nhật tỏ ra cởi mở, trong khi đối với phương nam, ông lại cao giọng trước Bắc Kinh.

Trung Quốc và chính sách ngoại giao thực dụng của Tổng thống Pháp

Trước chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Pháp ngày mai 24/04/2013, nhật báo cánh hữu Le Figaro dành một bài viết công phu mang tên « Chính sách ngoại giao thực dụng của ông Hollande ». Đặt ưu tiên về kinh tế, ông François Hollande đã đưa vấn đề nhân quyền xuống hàng thứ yếu. Một vấn đề mà ông định đề cập đến một cách « không ngại ngần », nhưng thận trọng, với chủ nghĩa thực dụng.

Le Figaro dự đoán, Tổng thống Pháp sẽ không lớn tiếng về nhân quyền với Bắc Kinh, cũng giống như thái độ của ông tại Matxcơva hồi cuối tháng Hai. Ưu tiên được dành cho việc tái thúc đẩy đối tác chiến lược với các nền kinh tế mới nổi, dưới chiêu bài ngoại giao kinh tế, nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại lên đến gần 70 tỉ euro, trong đó 40% là đối với Trung Quốc.

Tờ báo cánh hữu ghi nhận, trong các chuyến công du đến những quốc gia thường bị chỉ trích, ông Hollande thường tránh công khai phê phán chủ nhà, và mỉa mai, bản báo cáo của đảng Xã hội về chính sách đối ngoại hồi năm 2010 đã từng giảng đạo đức cho ông Nicolas Sarkozy, phê phán việc « các nguyên tắc thay đổi theo lợi ích, giá trị con người được tính toán trước hết theo thị phần ». Và ngày nay khi cánh tả lên nắm quyền thì như thế nào đã rõ.

Bàn tay Cuba can thiệp vào Venezuela

« Một cựu tướng lãnh tố cáo bàn tay của Cuba can thiệp vào Caracas », đó là tựa đề bài viết của đặc phái viên nhật báo Le Figaro ở Venezuela. Đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Raul Baduel, một đồng chí của Hugo Chavez bị giam từ năm 2009, thì chính anh em Castro đã gợi ý cho Chavez cất nhắc ông Maduro làm người kế vị.

Bị kết án 8 năm tù vì tội tham nhũng và hiện đang ở một phòng giam tiện nghi của nhà tù quân đội, ông Raul Baduel vốn là một trong bốn sĩ quan sát cánh với cố Tổng thống Hugo Chavez từ năm 1982, vẫn còn ảnh hưởng lớn trong quân đội.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống hôm 14/4 có dấu hiệu gian lận. Với hệ thống vi tính do Cuba thiết trí, chính quyền biết được ai đã đi bầu, có được kết quả tạm thời, và nếu ứng viên của chính phủ có vẻ yếu thế thì có thể can thiệp qua điện thoại, thúc giục những người chưa đi bầu đến phòng phiếu. Theo ông, chính quyền đã vi phạm Hiến pháp. Ông Nicolas Maduro không thể ra ứng cử khi đang là Phó tổng thống, còn ông Hugo Chavez không thể nhậm chức với tình trạng sức khỏe như thế.

Cũng theo ông Baduel, thì chính anh em ông Fidel Castro đã gợi ý cho ông Chavez đưa ông Maduro lên kế vị, vì ông này dễ bảo hơn. Ứng viên kia là Diosdado Cabello không có cảm tình riêng với Cuba, trong khi La Habana rất lệ thuộc vào Caracas – đổi dịch vụ y tế lấy dầu lửa của Venezuela với giá ưu đãi. Nhắc nhở rằng chuyến công du đầu tiên của lãnh tụ Cuba sau khi lên nắm quyền vào năm 1959 là đến Caracas, và chính La Habana đã vũ trang cho lực lượng du kích chống lại chính quyền Venezuela thời đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng Cuba đã thành công trong việc giật dây Caracas mà không tốn một viên đạn.

Hôn nhân đồng giới : Luật đã thông qua, nhưng tranh cãi chưa chấm dứt

Báo chí Pháp hôm nay đặt ra nhiều câu hỏi về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trên trang nhất. Le Figaro chạy tựa « Hôn nhân đồng tính : Tòa Bảo hiến có thể bác hay không ? ». Trang bìa nhật báo cộng sản L’Humanité đăng tấm ảnh hai bàn tay nam giới đang đeo nhẫn cưới cho nhau và chạy tựa « Gay, gay, hãy để họ cưới nhau đi ! ». 

Trên lãnh vực kinh tế, nếu nhật báo cánh tả Libération băn khoăn « Liệu châu Âu sẽ chấm dứt chính sách khắc khổ ? » thì tờ Le Monde chú ý đến « Sức khỏe ngạo mạn của nền kinh tế Đức làm tăng sự lẻ loi của Pháp ». Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện « Thị trường chứng khoán đánh cược một sự phục hồi kinh tế ». Riêng nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Đại biểu Quốc hội : Một nghề toàn thời gian ? ». Tờ báo dành hai trang nói về một dự thảo luật cấm các đại biểu Quốc hội đồng thời làm một số nghề trong nhiệm kỳ của mình.

Trong số các tin tức thời sự trong nước, việc Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính từ hôm qua, là đề tài được tất cả các báo Paris chú ý. Trong bài phân tích mang tựa « Cuộc bỏ phiếu lịch sử về luật hôn nhân đồng tính », nhật báo Le Monde đưa ra nhận định tổng thể về hai quan điểm trái ngược đã đối đầu với nhau suốt bảy tháng qua.

Đạo luật này đánh dấu một giai đoạn mới trong việc bình thường hóa một xu hướng tính dục, trước đây bị cho là phản thiên nhiên, nay được nhìn nhận là tuy có khác với đa số nhưng cũng là điều bình thường. Đồng tính luyến ái hiện vẫn đang bị trấn áp tại 80 nước, thậm chí còn bị 7 nước dành cho án tử hình. Đây sẽ là một trong những dấu ấn sâu đậm nhất cho nhiệm kỳ của ông François Hollande. Hiện nay tại Pháp có đến 100.000 cặp đồng tính đang sống chung với nhau, chiếm tỉ lệ 0,6%, và từ 24.000 đến 40.000 trẻ em đang sống trong các hộ gia đình đồng giới.

Có lẽ chính quyền không ngờ phản ứng của phe chống đối lại dữ dội đến thế trong thời gian qua. Theo Le Monde, tuy việc hai người cùng giới tính làm đám cưới với nhau tại tòa thị chính không còn gây sốc cho bao nhiêu người, nhưng đa số người dân Pháp lại khó chấp nhận việc trẻ em được nuôi dưỡng bởi hai ông cha hoặc hai bà mẹ. Đặc biệt trong những tuần lễ gần đây, sự kỳ thị đối với người đồng tính đã tăng vọt. Trong bối cảnh đó, có thể dự báo được rằng những đám cưới đồng giới đầu tiên tại Pháp sẽ diễn ra vào khoảng giữa tháng Sáu hay tháng Bảy tới, sẽ không chỉ toàn một màu hồng.

tags: Bạo động - Châu Á - Chính trị - Miến Điện - Tôn giáo - Xã hội - Xung đột - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130424-mien-dien-su-can-dam-cua-tong-thong-thein-sein-truoc-xung-dot-ton-giao 

1 commentaire:

  1. Thái Lan đa nguyên đa đảng nên loạn thế đấy, cứ như Việt Nam là tốt nhất, đất nước không xảy ra xung đột nào, dân chúng được hưởng sự công bằng, dân chủ. Đa nguyên đa đang ở các nước luôn xảy ra sự tranh chấp, đấu đá giữa các đảng phái nên việc xung đột xảy ra rất thường xuyên, dân chúng phải chịu bao khổ cực, đa nguyên đa đảng là thế đấy.

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.