samedi 13 avril 2013

Nhân viên bảo tàng Louvre đình công phản đối nạn móc túi hoành hành

Viện bảo tàng Louvre, Paris
Bài đăng : Thứ năm 11 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 11 Tháng Tư 2013 
Hôm qua 10/04/2013, viện bảo tàng Louvre nổi tiếng ở Paris đã đóng cửa trong vòng một ngày. Hai trăm nhân viên quyết định sử dụng quyền đình công để bày tỏ sự phẫn nộ trước hiện tượng các băng nhóm móc túi hoành hành tại Louvre như chốn không người.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro nhận định, việc bảo tàng Louvre đóng cửa là một sự kiện rất hiếm hoi. Lần gần đây nhất là vào tháng 12/2009, nhân viên đình công để chống lại kế hoạch giảm biên chế. Sự kiện đình công ngày hôm qua biểu thị tầm mức của một hiện tượng đã kéo dài từ nhiều tháng qua. Theo báo Le Parisien, sau cuộc họp toàn thể và hội ý giữa ban giám đốc với các công đoàn, hôm qua hàng trăm nhân viên bảo tàng Louvre đã đến biểu tình trước Bộ Văn hóa Pháp.

Lợi dụng việc bảo tàng miễn phí vào cửa cho những người trẻ dưới 26 tuổi, bọn móc túi đã kéo nhau vào mỗi lần từ 20 đến 30 tên, để móc ví khách tham quan, mà số lượng lên đến 10 triệu người mỗi năm. Le Parisien cho biết thêm, các băng nhóm móc túi hầu hết là thanh thiếu niên người Đông Âu.


Thật ra không chỉ có bảo tàng Louvre, mà những địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Nhà thờ Đức Bà Paris, khu vực Opéra với các thương xá sang trọng, tháp Eiffel…đều là nạn nhân của bọn trộm cắp có tổ chức, cũng như các trạm xe điện ngầm xung quanh các địa điểm trên. Nhưng tại thánh đường của nghệ thuật này, khi khách tham quan chú tâm thưởng lãm các tác phẩm nổi tiếng thế giới, họ đã lơi lỏng cảnh giác và trở thành mồi ngon của các băng nhóm móc túi.

Từ mùa hè rồi, ban giám đốc viện bảo tàng Louvre đã « chuyển sang thế tiến công », hợp tác chặt chẽ với phía cảnh sát. Vào đầu tháng 9, một cuộc họp đầu tiên đã được tổ chức với Viện Kiểm sát Paris, sau đó bảo tàng Louvre đã nộp đơn kiện vào tháng 12/2012, trong đó nói rõ là có cả đơn của 150 cá nhân. Từ ngày 1/5 sắp tới, thêm nhiều bảng hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng sẽ được trang bị, đặc biệt là bằng tiếng Triều Tiên, Nhật và Hoa.

Các du khách dễ trở thành nạn nhân nhất là khách du lịch Nhật Bản - thường kinh ngạc trước các hành động bạo lực mà họ ít khi chứng kiến, và nói chung là người châu Á, vốn có thói quen mang theo nhiều tiền mặt. Một thủ tục cớ mất được đơn giản hóa cũng đã được áp dụng.

Ban giám đốc bảo tàng Louvre nói thêm : « Chúng tôi cũng làm việc với các lãnh sự quán những nước liên quan, để phát hiện các thói quen ứng xử của công dân nước họ có thể khiến những người này trở thành con mồi cho bọn móc túi ». Chẳng hạn như việc để các xấp tiền nhô lên ở túi sau, để điện thoại di động trong những túi áo quá lớn, không gài túi xách…Những chỉ dẫn này được công bố trên trang web của cơ quan du lịch Paris và của các lãnh sự quán. Phía bảo tàng Orsay thì cho biết : « Các thông báo trên loa phóng thanh ở bên trong và bên ngoài bảo tàng cũng có tác dụng rất tốt ». 

Tại viện bảo tàng Louvre, đại diện công đoàn SUD cho biết : « Các nhân viên rất chán ngán. Đôi khi họ đến làm việc với tâm trạng sợ hãi, vì phải đối đầu với các băng nhóm móc túi ngày càng hung hăng, trong đó có nhiều vị thành niên vào cửa miễn phí, bị cảnh sát bắt sau khi hành sự nhưng vài ngày sau lại tái xuất hiện ». Các tác phẩm trưng bày được bảo vệ tốt hơn là nhân viên ! Theo giám đốc truyền thông Louvre, thì « Tình hình đang có xu hướng trầm trọng hơn, gây khó khăn cho các nhân viên trong nhiệm vụ tiếp đón công chúng và bảo vệ các tác phẩm ».

Một loạt các biện pháp mới đã được đưa ra, từ cấm vào cửa những kẻ chuyên giựt túi xách đã bị nhận diện, cho đến việc lắng nghe các nhân viên làm nhiệm vụ hướng dẫn và bảo vệ. Tối qua, nhiều nhân viên cảnh sát đã được điều đến trước lối vào Kim tự tháp để trấn áp bọn móc túi vị thành niên. Về phía quận trưởng quận 1, ông Jean-François Legaret thì đã yêu cầu Sở cảnh sát tái lập quy định cấm ăn xin tại khu vực bảo tàng Louvre và kế cận.

Báo chí Pháp ngờ vực trước các biện pháp chống trốn thuế

Báo chí Paris hôm nay quan tâm đến sự xuất hiện của Tổng thống Pháp François Hollande trên truyền hình hôm qua, sau một loạt xì-căng-đan làm rúng động chính giới. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Hollande : Bây giờ là vấn đề đạo đức », nhại lại khẩu hiệu tranh cử của ông « Bây giờ là lúc phải thay đổi ». Người đứng đầu Nhà nước Pháp cam kết sẽ « không khoan nhượng » trong cuộc đấu tranh cho sự minh bạch, nhưng theo Le Figaro, thì các biện pháp mà ông đưa ra khó thể tạo được sự đồng thuận. « Một ít đạo đức, rất nhiều khắc khổ », đó là tựa trang nhất của nhật báo cộng sản L’Humanité. Tờ báo nhận xét, ông Hollande loan báo một loạt phương pháp chống tội phạm tài chính, nhưng lại từ chối thay đổi mục tiêu chính sách.

Nhật báo kinh tế Les Echos dành 5 trang báo lớn cho chủ đề « Hollande tăng cường vũ khí chống trốn thuế », và trong bài xã luận mang tựa đề « Minh bạch trong sự bất nhất », tờ báo cho rằng việc yêu cầu các dân biểu, nghị sĩ công khai, minh bạch sẽ khả tín hơn nếu các thành viên chính phủ cũng hành động tương tự. Tờ báo công giáo La Croix trong bài xã luận « Cú sốc » cũng nhận định, bài phát biểu của ông Hollande không tạo ra được « cú sốc đạo đức » như mong muốn. Chính phủ và Tổng thống Pháp đang ở thế yếu, các chính sách hiện nay, từ hôn nhân đồng tính cho đến các chủ trương kinh tế đang làm tăng thêm chia rẽ và ngờ vực, thậm chí ngay trong các thành viên chính phủ. Theo La Croix, sự thiếu nhất quán đã khiến không thể tạo được « cú sốc lòng tin ».

Nhật báo cánh tả Libération chạy tít trang nhất : « Các thiên đường trốn thuế bị cho xuống địa ngục ? ». Ông François Hollande và châu Âu hứa hẹn một loạt các biện pháp chống lại các thiên đường thuế khóa, nhưng Libération đặt câu hỏi, liệu các biện pháp này có hiệu quả hơn các cam kết trước đây hay không ? Cũng liên quan đến thuế má, Le Monde đăng bài phỏng vấn nhà tỉ phú Bernard Arnault, Tổng giám đốc tập đoàn LVMH và là người giàu thứ nhì nước Pháp, về việc ông này từ bỏ ý định xin nhập quốc tịch Bỉ.

Giai cấp trung lưu Bangladesh và cơn khát tiêu thụ

Nhìn sang châu Á, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến « Một giai cấp trung lưu hăng hái tiêu thụ tại Bangladesh ». Đất nước thuộc loại nghèo nhất thế giới đã bắt đầu cất cánh, hình thành một lớp trung lưu mới khao khát văn hóa tiêu dùng, đồng thời cũng là nhân tố cho những thay đổi.

Bài báo của đặc phái viên La Croix tại Dacca mở đầu với việc miêu tả Bashungdhara City, một trung tâm thương mại vừa khánh thành cách đây một năm, có sáu tầng và 2.200 cửa hàng bán những món hàng thời thượng nhất, từ điện thoại di động, giày dép cho đến hàng điện tử. Đây là một « mall » theo kiểu Mỹ, do Bashungdhara Group, một tập đoàn địa ốc Bangladesh – thuộc quyền một trong những gia đình giàu nhất nước này đầu tư, với khoảng 77 triệu euro. Một cặp vợ chồng trẻ cho biết, tuy hàng hóa ở đây có đắt hơn bên ngoài một chút, nhưng vào trung tâm thương mại này khách hàng có cảm tưởng như đang ở một nước phát triển.

Cách đây 20 năm, vẫn còn đến 60% người dân Bangladesh sống dưới ngưỡng nghèo khó. Nhưng nay thì tỉ lệ này đã xuống còn 30%, và xuất hiện một lớp người trung lưu chiếm khoảng 5 đến 10% dân số.

Sự tăng trưởng kinh tế này phần lớn nhờ vào ngành dệt may. Bangladesh là một quốc gia được hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa. Trong khi lương dần tăng tại Trung Quốc và Ấn Độ, thì các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy có thể thu lợi khi cho sản xuất các loại quần áo giá rẻ ở Bangladesh. Với 5.000 xưởng may, 4 triệu công nhân, Bangladesh gia công cho nhiều tập đoàn thời trang lớn như Zara, H&M, siêu thị Carrefour…Công nghiệp dệt may mang lại cho đất nước này 15 tỉ euro trong năm 2012. Giá gia công tại đây thấp nhất trong khu vực, dù lợi nhuận thấp nhưng số lượng đặt hàng lớn đã bù lại.

Nguồn ngoại tệ thứ hai từ 10 triệu người lao động Bangladesh ở nước ngoài. Năm ngoái họ gởi về nước 10 tỉ euro, lớn hơn gấp sáu lần so với tất cả những khoản viện trợ quốc tế mà Bangladesh nhận được.

Cho dù là một nền kinh tế hướng về xuất khẩu, nhưng cán cân thương mại của nước này lại thâm hụt do cơn sốt mua sắm của lớp trung lưu mới. Một căn hộ mới xây trong một tòa nhà hiện đại có giá đến nửa triệu euro, nhưng nhu cầu vẫn lớn. Trên đường phố rất nhiều xe hơi mới, và trên truyền hình thì những chương trình mua sắm nở rộ.

Trung Quốc đầu tư sản xuất sữa bột tại Pháp 

Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo Le Monde cho biết « Để sản xuất sữa bột, nhà sản xuất Synutra đứng thứ ba Trung Quốc lập nhà máy tại Bretagne ». Công ty này đã ký kết với hợp tác xã Pháp Sodiaal, để có được 288 triệu lít sữa một năm, trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin tưởng ở sản phẩm trong nước.

Là chủ nhãn hiệu sữa Shengyuan tại Trung Quốc, Synutra hôm qua cho biết đã được bật đèn xanh cho việc lập nhà máy tại vùng Bretagne của nước Pháp. Công ty sẽ đầu tư 90 triệu euro để xây dựng hai tháp sấy, còn Sodiaal, hợp tác xã chuyên về sữa hàng đầu của Pháp, cam kết cung ứng 288 triệu lít sữa hàng năm, và một lượng tương đương 24.000 tấn lactosérum. Sản phẩm này được dùng để sản xuất sữa cho trẻ em, mà thị trường Trung Quốc luôn đòi hỏi.

Các nhà sản xuất sữa Trung Quốc đang hướng ra nước ngoài để có được các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao, và sở hữu được kỹ thuật. Đại diện Synutra cho biết sau khi so sánh, họ nhận thấy nguồn sữa của Pháp – một nước châu Âu có nền nông nghiệp mạnh - là tốt nhất. Các tháp sấy mới có thể sản xuất ra 60.000 tấn sữa bột mỗi năm cho thị trường Trung Quốc, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm khắc nhất.

Sữa chất lượng cao từ Pháp sẽ thu hút các gia đình Trung Quốc, vốn vẫn còn ấn tượng từ xì-căng-đan sữa nhiễm melamine hồi năm 2008 làm cho 6 em bé chết và 300.000 em khác bị bệnh, theo con số chính thức. Người tiêu dùng không hề tin các nhãn hiệu sữa Trung Quốc, và ngay khi có thể, họ đều mua sữa ngoại, dẫn đến mất thăng bằng cung cầu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.