lundi 28 octobre 2013

Kinh tế Việt Nam đi về đâu ?

Doanh nghiệp gặp khó khăn vì buôn bán ế ẩm.
Thứ hai 28 Tháng Mười 2013 

Doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp, lạm phát…kinh tế Việt Nam năm nay mang màu sắc u ám. Kỳ họp Quốc hội Việt Nam khai mạc vào ngày 21/10/2013 đã rộn lên với những băn khoăn, khi Chính phủ đề nghị nâng tỉ lệ bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP cho năm 2014, bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn qua việc phát hành trái phiếu. Có một số lý do được đưa ra trong đó có mức thu bị hụt đến trên 3 tỉ đô la, trong khi chi ngân sách lại vượt dự toán 1,3%, nói một cách khác là ngân sách đang bắt đầu cạn kiệt. 

Chính phủ Việt Nam cam đoan là trần nợ công vẫn ở mức an toàn, nhưng ngay các đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra ngờ vực. Tờ VnEconomy có bài viết: “Kinh tế gian nan, vang bài ca cũ”, tờ Tuổi Trẻ cho biết : « Kinh tế khó khăn, đại biểu Quốc hội rưng rưng nước mắt ». 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương phê phán rằng báo cáo của Chính phủ quá sơ sài, hô hào nhiều mà ít giải pháp cụ thể, trong một trang đếm được tới 23 lần các từ « đẩy mạnh, tăng cường, tích cực ». Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng báo cáo « không trung thực », khiến công luận không cảm nhận hết sự nghiêm trọng của tình hình.

Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, cũng là nhà bình luận chính trị xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích về vấn đề này.
Tạp chí Việt Nam 28/10/2013
(22:35)


RFI : Thân chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Thưa anh, suy thoái kinh tế ở Việt Nam đã kéo dài 5 năm và hiện giờ còn chưa biết sẽ đi về đâu. Quan điểm của Chính phủ cũng như trong Đảng như thế nào về câu chuyện có thể nói là chưa có hồi kết này?


TS Phạm Chí Dũng : Rất dễ thấy là trong hầu hết các đánh giá của mình, Chính phủ và các quan chức đảng nghiêng hẳn về chiều hướng lạc quan.

Có lẽ phải dùng cụm từ “can đảm và bản lĩnh” đối với giới quan chức chịu trách nhiệm chính về thành tích cũng như hậu quả kinh tế. Bởi quan điểm của Chính phủ vẫn rất “nhất quán” về tình hình kinh tế Việt Nam đang hồi phục. Nghị quyết thường kỳ hàng tháng của Chính phủ trong mấy năm suy thoái kinh tế qua vẫn không thua kém một bản luận văn “vở sạch chữ đẹp” về GDP tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát được kềm chế, tỷ lệ thất nghiệp thấp, nợ công an toàn, những thành tích của các bộ ngành… và vẫn mô tả động tác được coi là “quyết liệt” của lãnh đạo chính phủ trong toàn bộ hoạt động điều hành kinh tế.

Ngay cả thông báo của Hội nghị trung ương 8 của Đảng vào tháng 10/2013 cũng vẫn đánh đậm những đánh giá đầy tính tô hồng về một thực trạng kinh tế u ám.

Quan điểm tô hồng cũng được bổ khuyết bởi một số chuyên gia có mối quan hệ khắng khít với Đảng như TS Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, TS Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả…

Khi nửa đầu của năm 2013 kết thúc, một lần nữa luồng quan điểm lạc quan về tương lai kinh tế lại trỗi lên, với sắc diện man mác như chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy” từ phương Bắc. Mới đây, những chuyên gia thân cận nhà nước như ông Lê Xuân Nghĩa đã nhắc lại là nền kinh tế đã chính thức thoát đáy. Người đại diện cho Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương là ông Võ Trí Thành, mặc dù thường dè dặt trong những đánh giá về “đáy” của nền kinh tế, cũng cho rằng Việt Nam “có cơ hội lớn chưa từng có” để ký kết các hiệp định với khối thương mại tự do ASEAN và TPP.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu vào tháng 9/2013, khi ông Lê Quốc Lý, Học Viện Chính trị Hành chính Quốc gia, phát biểu : “Chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức như thế làm doanh nghiệp chết, kinh tế suy kiệt là đương nhiên. Như thế làm gì có năng lượng mà tăng trưởng", lập tức ông Trần Du Lịch phản bác : “Quan điểm của anh Lý là cực kỳ nguy hiểm!”.

Từ cuối năm 2012, giới chuyên gia nhà nước, trong đó có ông Trần Du Lịch, đã trở nên mạnh dạn và dũng cảm đến mức bất thường khi cho rằng nền kinh tế đã “thoát đáy”, cho dù vào đầu năm 2013, cơ quan thường trực của Quốc hội là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức phát ra con số có ít nhất 100.000 doanh nghiệp phải giải thể và phá sản, chiếm đến 15-20% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Vô tình hay hữu ý, những chuyên gia cao cấp như ông Trần Du Lịch đang trở thành lớp trí thức cận vệ che chắn cho bức tường đầy rêu phong loang lổ.

RFI : Thưa anh, đó là cách nhìn tô hồng phù hợp với “đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”, nhưng chắc là cũng có những ý kiến khác ?

Khung cảnh kinh tế ngổn ngang và ngập ngụa như thế này mà không có ý kiến trái chiều, đối nghịch mới là lạ.
Một hiện tượng rất đáng quan tâm trong thực thể kinh tế - chính trị ở Việt Nam là mặc dù Đảng chưa bao giờ thừa nhận tính đa nguyên, song những gì đã và đang thể hiện trong các đánh giá, phân tích về kinh tế lại cho thấy một biểu trưng ngày càng sắc nét về nguyên lý “vật chất quyết định ý thức”.

Chưa bao giờ từ giai đoạn mở cửa kinh tế năm 1990 đến nay, đa nguyên kinh tế lại phổ biến một cách tự phát như hiện thời. Đó cũng là lý do vì sao lại xuất hiện ngày càng nhiều quan điểm khác biệt phản bác về thực trạng luôn được coi là “ổn định” của nền kinh tế Việt Nam.

Đến lúc này, giới chuyên gia phản biện và đặc biệt là những chuyên gia phản biện độc lập ở Việt Nam đã không còn chịu đựng nổi thái độ “trùm mền”. Nếu vài năm trước chỉ có những tên tuổi phản biện đơn độc như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Chu Hảo… thì từ đầu năm 2013 đến nay còn hiện ra những cái tên khác thuộc về khối quan chức nhà nước.

Một hoạt động có tiêu đề là “Diễn đàn kinh tế mùa thu” vào cuối tháng 9/2013 đã thêm một lần nữa vang lên tiếng nói của nhiều chuyên gia phản biện về hiện tồn nền kinh tế đang rơi vào một cuộc suy thoái sâu sắc. Từ “khủng hoảng” cũng được một số chuyên gia và báo chí đặc tả, mặc dù trước đó các cơ quan điều hành kinh tế và giới tuyên giáo trung ương hầu như không thiết tha gì với từ ngữ này, thậm chí còn có thái độ ngăn cản giới phóng viên “không được bi quan hóa tình hình kinh tế”.

Trong Diễn đàn kinh tế mùa thu, lần đầu tiên giới chuyên gia ở Việt Nam bắt đầu phải mổ xẻ về độ chân thực của chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngay Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng phải đặt vấn đề “GDP chạy đâu hết cả rồi?”. Tiếp theo đó, báo giới trong nước lại có được một tiêu đề hay ho là “GDP có chân?”. Người ta ngạc nhiên về việc trong năm 2012, gần hết các tỉnh thành báo cáo GDP địa phương tăng trên 10%, trong khi con số GDP chính thức của toàn quốc chỉ là trên 5%, tức GDP quốc gia đã bị giảm đến một nửa so với các báo cáo của chính quyền các địa phương.

Nghịch lý này cho thấy cái gì? Hoặc Tổng cục Thống kê tính chưa sát, hoặc chính quyền các địa phương thuần túy chạy theo chủ nghĩa thành tích. Mà chủ nghĩa thành tích lại luôn là một đặc trưng không thể thiếu trong tâm lý quản lý kinh tế ở Việt Nam, khi tỉnh thành nào cũng muốn có được những con số đẹp để làm hài lòng cấp trên, hơn hẳn so với chuyện “an dân”.

RFI : Nghịch lý của GDP có liên quan đến việc nền kinh tế được gọi là “thoát đáy” ở Việt Nam hay không?

Đương nhiên là có. Là một số con số tổng quát nhất, đại diện nhất cho sức khỏe của nền kinh tế, GDP lại luôn bị nghi ngờ về tính trung thực của nó. Nếu ở Trung Quốc, một số trong giới chuyên gia phản biện độc lập đã nghi ngờ rằng GDP thực của quốc gia này không phải là 8% như con số báo cáo của chính phủ, mà thực tế chỉ khoảng 3,7%, thì GDP ở Việt Nam có lẽ cũng nằm trong tình trạng tương tự. Người ta nghi ngờ con số báo cáo cáo của chính phủ Việt Nam và “quyết tâm” của Bộ Chính trị lẫn Quốc hội về việc “giữ vững” GDP từ 9% vào năm 2011 xuống còn 5,5% vào năm 2013 thực ra chỉ là con số ảo, mà con số thực chất có thể thấp hơn nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đã suy thoái quá trầm trọng kéo dài đến 5 năm qua.

Những ảo ảnh về GDP cũng có mối liên hệ không thiếu hữu cơ với một nghịch lý lớn khác là là tỉ lệ thất nghiệp. Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tỉ lệ thất nghiệp cuối năm 2012 chỉ có 1,99%, tức còn khả quan hơn cả năm 2011 và năm 2010, trong khi một số chuyên gia phản biện cho rằng tỉ lệ thất nghiệp thực tế phải gấp đến mười lần như thế.

Đó cũng là lý do vì sao ngày càng xuất hiện nhiều chuyên gia đánh giá về hiện trạng kinh tế Việt Nam chưa có gì gọi là thoát đáy. Nếu vào năm 2012 giới quản lý kinh tế nêu ra giả định về kinh tế có thể phục hồi theo chữ V, thì nay người ta buộc phải nhìn nhận là nền kinh tế có thể đang dao động tại đáy chữ L, hoặc tệ hơn là theo chữ W, nghĩa là có thể diễn ra một trận bổ nhào nữa.

Một nhân tố mới đáng chú ý là ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế việt Nam, đã trở thành một trong những trí thức lề đảng phản biện khá mạnh mẽ từ khi Diễn đàn kinh tế mùa xuân được tổ chức vào tháng 4/2013. Tại diễn đàn này, vấn đề nợ và nợ xấu của Việt Nam đã lần đầu tiên được đưa lên bàn mổ, với con số nợ xấu thực tế được nêu ra gấp hơn hai lần con số báo cáo của Ngân hàng nhà nước.

Cùng với ông Trần Đình Thiên, nhiều chuyên gia phản biện độc lập khác như ông Bùi Kiến Thành, người mà từ năm 2011 đã vẽ ra một hình ảnh rất thống thiết là “ruộng khô lúa cháy” về tình cảnh khát vốn, đói vốn của doanh nghiệp, cũng cho rằng kinh tế Việt Nam còn phải kéo dài độ trì trệ một thời gian nữa, ít nhất đến cuối năm 2014 ; để lạc quan hơn thì sau đó mới có thể phục hồi; nhưng chỉ phục hồi với điều kiện tiên quyết là phải giải quyết được nợ xấu và lành mạnh hệ thống ngân hàng.

RFI : Hoạt động phản biện kinh tế có tác dụng gì trong thực tế hay không thưa anh ?

Phản biện kinh tế đã bắt đầu nổi lên từ năm 2008, khi nền kinh tế Việt Nam khởi động cho một chu kỳ lao dốc. Tuy nhiên vào năm 2008, giới điều hành kinh tế có thể viện dẫn lý do là kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Nhưng đến năm 2011 thì không còn có thể viện dẫn bất cứ cái gì nữa, khi mà kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2011 và kéo dài sự phục hồi, tuy chậm chạp nhưng khá bền vững, cho đến nay. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục suy thoái và từ giữa năm 2011, cùng với sự sụp đổ của hai thị trường chứng khoán và bất động sản, nền kinh tế quốc gia này đã lâm vào thế khốn khó.

Đó là tình cảnh khốn khó đối với với đời sống dân sinh - những đối tượng phải chịu nạn lạm phát treo cao kinh niên và những chính sách điều hành bất nhất của chính quyền, không bảo đảm an sinh xã hội trong khi vật giá leo thang. Nhưng khốn khó đặc trưng hơn là ngay cả giới doanh nghiệp sản xuất và một phần giới doanh nghiệp đầu cơ cũng lâm vào thế bế tắc. Hàng tồn kho tăng mạnh, tỉ trọng sản xuất sụt giảm, vòng quay vốn cũng giảm nhanh, trong khi các ngân hàng thi nhau lũng đoạn bằng thủ đoạn tăng lãi suất cho vay đến trên 20%, có thời điểm lên đến 30%, găm tiền khiến cho đại đa số doanh nghiệp sản xuất không thể tiếp cận được vốn.

Đến đầu năm 2012, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà cả giới ngân hàng cũng bắt đầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ngân hàng đã găm vốn, siết vốn trong một thời gian quá dài để trục lợi, khiến cho cơ thể kinh tế lún sâu vào tình trạng bệnh tật đến mức không thể hồi phục được.

Đó cũng là bối cảnh thê thảm mà giới ngân hàng đã bắt gần như toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp và cả người dân làm con tin của mình; nhưng từ năm 2012, ngân hàng lại trở thành con tin của chính họ.

Từ năm 2011, bắt đầu dấy lên những tiếng nói phản biện về thực trạng kinh tế. Người ta nói về thái độ quay quắt trong hành động “hút máu” của ngân hàng, về cái chết của các doanh nghiệp bất động sản, về quan hệ nhân quả về rủi ro không tránh khỏi giữa các ngân hàng chủ nợ với các đại gia bất động sản con nợ… Chỉ có điều, những tiếng nói thưa thớt ấy đã chìm vào cõi âm u. Ngược lại, tiếng nói của giới quan chức chính phủ và tuyên giáo mới thực sự ầm ĩ.

Tự do ngôn luận và tự do báo chí trong kinh tế đã không được tôn trọng dù chỉ ở mức độ phản biện tối thiểu. Nhiều bài viết phản biện về thực trạng kinh tế và nguyên nhân sâu xa từ phía các nhóm lợi ích ngân hàng, bất động sản và vàng khiến nền kinh tế trở nên thê thiết như vậy đã bị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo gỡ bỏ.

RFI : Bức tranh mà anh vừa vẽ ra khá là u ám. Như vậy góc nhìn riêng của anh về quan niệm nền kinh tế đã thoát đáy như thế nào ?

Rất tiếc là tôi không thể đồng cảm với giới quan chức chính phủ rằng tình trạng nền kinh tế đang có “có triển vọng” như hiện thời. Cho tới nay, tồn kho bất động sản - là lĩnh vực chiếm tồn kho lớn nhất và tích lũy nợ xấu nhiều nhất ở Việt Nam - vẫn chưa hề được xử lý. Vẫn còn hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp ở Hà Nội và Sài Gòn đang nằm bất động mà không có người mua. Từ đầu năm 2013 đến nay, bất chấp rất nhiều chiến dịch khuyến mãi, chiêu dụ của các chủ đầu tư địa ốc, thị trường bất động sản vẫn một mực không thay đổi thế bất tuân của nó. Mà không giải quyết được nợ xấu bất động sản thì không thể giải quyết được nợ xấu ngân hàng, vì nợ xấu bất động sản chiếm đến 70-80% trong tổng nợ xấu.

Công ty quản lý tài sản quốc gia, gọi tắt là VAMC, ra đời cũng hầu như chưa giải quyết được vấn đề gì. Thời gian gần đây, một chiến dịch PR khác đã được tung ra trên báo chí nhà nước khi cho rằng các nhà đầu tư “cá mập” của nước ngoài như Blackstone Group, Deutsche Bank Capital “xếp hàng” để mua nợ xấu của Việt Nam. VAMC cũng đang tiến hành mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần. Thế nhưng thực tế thì thế nào?

Thực tế là tuy có một số tập đoàn tài chính nước ngoài quan tâm đến chuyện mua nợ xấu của Việt Nam, song những điều kiện về mua bán của họ là rất ngặt nghèo, và tất nhiên là họ quan tâm đặc biệt đến việc mua nợ xấu rồi nhưng làm sao để bán lại cho người khác, trong khi tình hình kinh tế Việt Nam còn khá bi đát và chưa có gì cho thấy sẽ đỡ bi đát trong những năm tới.

Và đó cũng là vấn đề của VAMC và Ngân hàng nhà nước hiện nay. Hiện nay, VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng không phải bằng tiền, mà bằng một loại trái phiếu đặc biệt do công ty này “phát minh” ra, theo cách đổi giấy lấy tài sản. Thực tế là sau nhiều cuộc bàn thảo gay gắt, VAMC chỉ được ấn định số vốn điều lệ có 500 tỉ đồng, trong khi nhiệm vụ của nó là phải thanh toán món nợ tại các ngân hàng gấp ít nhất 100 lần như thế - 50.000 tỉ đồng.

Việc VAMC không có tiền mà phải dùng trái phiếu để mua nợ ngân hàng đã cung cấp thêm một bằng chứng rất thật nữa về hiện thực ngân khố quốc gia đang bị cạn kiệt tài chính. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian gần đây, báo chí trong nước bắt đầu công khai về khả năng quỹ hưu trí có thể bị vỡ ngay sau năm 2020, cũng như một đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm 100.000 đồng/tháng mức lương cơ bản của công chức nhà nước. Những thông tin khác cũng cho thấy một cơ thể tài chính hoàn toàn không lành mạnh, và Chính phủ đã phải đề xuất Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% GDP vào năm 2012 lên 5,3% GDP vào năm 2013.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản và ngưng hoạt động vẫn chưa có chiều hướng giảm. Nếu vào đầu năm 2013, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải công bố con số phá sản và ngưng hoạt động này là 100.000 doanh nghiệp, thì cho đến gần đây một số thông tin vẫn cho thấy tình hình hầu như chưa được cải thiện. Ở một số địa phương, số doanh nghiệp mới được thành lập chỉ chiếm 10-20% số doanh nghiệp “biến mất”.

RFI : Trước tình hình như vậy, theo anh đã có dấu hiệu nguy hiểm nào từ phía các ngân hàng Việt Nam?

Ngân hàng là cái rốn của vùng lũ, và đã bắt đầu có những dấu hiệu nguy hiểm. Từ đầu năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã trở thành quán quân về nợ xấu và là ngân hàng chứa chấp số phạm nhân đông nhất. Một con số mới được công bố, trong khi bị giấu kín vào những năm trước, cho thấy nợ xấu tại ngân hàng này đã lên tới 33.500 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của Agribank chưa đến 30.000 tỉ đồng. Cùng lúc, nhiều cán bộ lãnh đạo của ngân hàng này dính líu vào các vụ tài chính mờ ám và đã bị cảnh sát bắt giam.

Cho dù được xem là ngân hàng chiếm giải quán quân về khả năng huy động vốn trong dân và doanh nghiệp, song dư luận đang tự hỏi liệu Agribank có thể trở thành ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam phá sản - hiện tượng đã từng xảy ra với ngân hàng Lehman Brothes ở Mỹ vào cuối năm 2007 mà đã mở đầu cho một cuộc khủng hoảng ngân hàng và kéo theo đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.

Với ít nhất những dấu hiệu như thế, làm thế nào để nền kinh tế có thể hồi phục, và hơn nữa là hồi phục nhanh chóng? Nếu vấn đề nợ xấu chỉ có thể được giải quyết sớm nhất vào năm 2015 như dự báo của một số chuyên gia, thì tất nhiên nền kinh tế cũng chỉ có thể bắt đầu đi lên từ mốc thời điểm năm đó chứ không thể sớm hơn. Mà đó là trường hợp lạc quan. Còn với kịch bản bi quan hơn, nếu phải mất 5-7 năm nữa vấn đề nợ xấu mới được giải quyết, khó ai có thể hình dung từ đây đến đó nền kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ lặn ngụp thế nào trong khi chính quyền và các nhóm lợi ích vẫn tiếp tục “đánh bùn sang ao”.

RFI
: Nhưng như vậy thì tại sao các tổ chức tài chính thế giới như IMF, ADB và WB lại cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi?

Đó vẫn là điều ngạc nhiên với khá nhiều người, trong đó có tôi. Ngay từ năm 2012, khi đồ thị kinh tế Việt Nam còn lao dốc với góc vát lớn, thỉnh thoảng lại xuất hiện một đánh giá kèm dự báo của ADB và IMF cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang có khả năng hồi phục. Gần đây, ý kiến lạc quan này lại có vẻ được lặp lại cứ sau mỗi quý. Phải chăng các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này đang làm công tác “ngoại giao nhân dân” với nhà nước Việt Nam? Hay họ thật sự cần đến Việt Nam về những chủ đề nào đó mà bắt buộc họ phải xây dựng những đánh giá tô hồng?

Tôi không cho rằng ADB, IMF và WB ngây thơ và non kém kinh nghiệm đến mức họ không biết thực trạng kinh tế Việt Nam ra sao, khi giới truyền thông quốc tế như AP, Bloomberg, Wall Street Journal, Straight Times… lại tỏ ra khá am tường về những khó khăn quá lớn mà giới điều hành kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Vậy còn lại là cái gì? Phải chăng đó là những món cho vay đã có và sẽ có từ các tổ chức tài chính quốc tế, và buộc họ phải làm một điều gì đó để nhà nước Việt Nam cảm thấy can đảm hơn trong việc ký kết hợp đồng vay tín dụng?

Những khoản vay vẫn liên tục tiếp diễn. Trong đó, vay cho hạ tầng cơ sở giao thông chiếm một phần lớn. Vào những năm trước, Bộ giao thông vận tải Việt Nam đã trở thành điểm nóng của dư luận trong và cả ngoài nước khi đề xuất dự án làm đường sắt cao tốc Bắc Nam, chiếm một lượng vốn khổng lồ bằng vài ba chục phần trăm GDP quốc gia. Chỉ sau khi bị báo chí và dư luận phản ứng quyết liệt về ý đồ vay mượn nhằm đổ nợ cho thế hệ tương lai, dự án này mới bị ngưng lại. Tuy nhiên, nó vẫn biến thái sang một dự án đường sắt cao tốc khác với quy mô nhỏ hơn.

Mới đây, dư luận trong nước lại kinh ngạc khi phát hiện một đề xuất mới của Bộ Giao thông Vận tải về việc vay mượn quốc tế đến 8 tỉ USD để xây dựng sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai. Vậy trong hoàn cảnh khốn khó của nền kinh tế như hiện thời, làm sao lại có thể cứ phóng ra việc tiếp tục trút nợ lên đầu con cháu bằng những dự án trời ơi như thế?

Người ta cũng còn nhớ vào đầu năm 2012, một dự án kinh hoàng khác mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là dùng đến hàng chục ngàn tỉ đồng từ ngân sách để xây dựng mới trụ sở của bộ này. Tất nhiên số tiền đó, tuy được coi là ngân sách, nhưng nguồn gốc lại là tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn từ nước ngoài. Nếu những dự án “đẩy nợ cho tương lai” như thế được thực hiện, tất nhiên đó cũng là quyền lợi lớn nhất của những chủ cho vay.

Gần đây, báo chí trong nước phải đặt nghi vấn về việc báo cáo của những tổ chức tư vấn bất động sản quốc tế như Savills Vietnam là thiếu độ xác thực, tô hồng thị trường, và liệu có mối quan hệ “đi đêm” giữa Savills với giới chủ đầu tư để đánh bóng, gây cảm giác cầu ảo đối với người dân và giới đầu tư nhỏ lẻ cho một thị trường bất động sản đang quá ảo não…

Trong mối quan hệ với một nền kinh tế quá thiếu minh bạch như Việt Nam, không thể loại trừ việc những tổ chức tài chính quốc tế như ADB hay IMF cũng gần tương tự trường hợp Savills Vietnam, tức họ cũng có quyền lợi; và từ quyền lợi đó, họ cũng có thể dùng truyền thông và kỹ thuật PR để tô vẽ một cái gì đó khác, thậm chí khác hẳn với sự thật.

Thử nghĩ, nếu những tổ chức tài chính quốc tế được quyền điều hành đất nước này, có nghĩa vụ giải thích với dân chúng về những món nợ hiện tại và làm sao để thanh toán nợ nần trong tương lai, chắc chắn thái độ và cách hành xử của họ sẽ khác hẳn. Khi đó, thay vì vay mượn, họ sẽ làm mọi cách để chắt chiu từng đồng vốn cuối cùng.

RFI
: Theo anh thì tại sao giới chính khách điều hành lại cần đến việc tuyên truyền về triển vọng “phục hồi ảo” của nền kinh tế?

Những người làm chính trị luôn thấm nhuần quy luật “vật chất quyết định ý thức”. Không thể có một nền chính trị được coi là “ổn định” nếu kinh tế không “bền vững”. Huống chi là kinh tế đang trên đà sup sụp mà có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả một hệ thống chính trị - như điều đã từng xảy ra không biết bao nhiêu lần ở rất nhiều quốc gia khác.

Chính vì thế, họ phải làm mọi cách để kinh tế Việt Nam, dù đã trải qua suy thoái do chính sách và năng lực điều hành kinh tế kém cỏi và quá thiên về quyền lợi của các nhóm lợi ích, vẫn tiếp tục “phát triển”. Những con số có nhiều dấu hiệu được biến cải như GDP, chỉ số tăng trưởng công nghiệp, tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ thất nghiệp… được nêu ra một cách lạc quan và được lặp đi lặp lại để người dân cần phải tin rằng kinh tế chưa có gì là nguy biến.

Ngay vào năm 2013, khi đã xuất hiện hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể và phá sản, hệ thống tuyên truyền một chiều vẫn cố gắng phát huy não bộ giáo điều và giả dối của nó. Nhưng đến lúc này, có lẽ điều mà giới chính khách thấm nhuần hơn cả là nguy cơ sụp đổ kinh tế rất có thể xảy ra, và hoàn toàn có khả năng diễn ra nếu như nền kinh tế không có được những nguồn hô hấp mới. Hô hấp này lại được hiểu là những nguồn tài chính mới. Tài chính trong nước thì quá khó, bởi tâm lý người dân trong nạn suy thoái luôn là việc găm tiền, bán nhiều mua ít. Còn các nhóm lợi ích, sau khi đã ních chặt túi, chỉ còn tìm cách làm sao tuồn tiền vàng ra nước ngoài và bảo vệ những tài sản còn lại ở trong nước khỏi bị “thất thoát”, chứ không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện tái đầu tư hoặc cho nhà nước vay mượn.

Vậy chỉ còn lại nguồn tài chính từ quốc tế. Mà muốn có được nguồn tài chính này, nhà nước Việt Nam lại vẫn phải chứng minh làm sao cho người ngoài thấy nền kinh tế tuy có nhiều khó khăn, nhưng vẫn có khả năng phục hồi, phục hồi để lôi kéo đầu tư nước ngoài và những khoản ODA không hoàn lại hoặc lãi suất ưu đãi, kể cả “giữ vững nhịp độ phát triển” và sẵn sàng “nâng lên một tầm cao mới” để có đủ tiêu chuẩn được tham gia vào hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Tuy nhiên tục ngữ người Việt có câu “Có thực mới vực được đạo”. Một nền kinh tế dân sinh bị mối ăn gần hết thì làm sao có thể khiến “dân tin, dân yêu”? Đây đã là lúc không thể thay một giả dối này bằng một dối trá khác, không thể biến đạo lý thành một thứ hàng hóa “thuận mua vừa bán”.

Tất cả đều thuộc về trách nhiệm của một nhóm thiểu số điều hành đất nước vào chính ngày hôm nay.

RFI
: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ tham gia tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự của RFI Việt ngữ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131028-kinh-te-viet-nam-di-ve-dau

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.