mardi 10 décembre 2013

Bắc Triều Tiên: Thanh trừng quan nhiếp chính, Kim Jong Un chứng tỏ vai trò chúa tể

Ảnh chụp lại từ truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên hôm 09/12/2013, cho thấy cảnh ông Jang Song Thaek bị bắt ngay tại cuộc họp Bộ Chính trị ở Bình Nhưỡng.
Bài đăng : Thứ ba 10 Tháng Mười Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 10 Tháng Mười Hai 2013 
 
Bắc Triều Tiên một lần nữa lại gây chú ý cho dư luận với sự kiện lãnh tụ Kim Jong Un thanh trừng viên quan nhiếp chính, người chú dượng Jang Song Thaek hôm 08/11/2013. Nhật báo Libération có bài viết mang tựa đề “Kim Jong Un thanh trừng quan nhiếp chính cồng kềnh”, còn tờ Le Figaro nói về “Sự sụp đổ của quan nhiếp chính ở Bình Nhưỡng”.

Quan nhiếp chính đỏ bị kết tội phản cách mạng

Ông Jang Song Thaek, 67 tuổi, được mệnh danh là “quan nhiếp chính đỏ” như vậy đã rơi vào quên lãng trong lịch sử chế độ kiểu Stalin của Bình Nhưỡng.


Le Figaro mô tả lại cảnh tượng hôm Chủ nhật 8/12, khi nhân vật được coi là số hai của chế độ đã bị bắt giữ thô bạo ngay trong hội nghị của Bộ Chính trị, bị hai công an mặc cảnh phục to cao tóm lấy như một tên vô lại, trước vẻ mặt tái mét của những quan chức cao cấp trong đảng. Hoạt cảnh bạo lực này nhanh chóng được hãng thông tấn chính thức KCNA phổ biến – đây là lần đầu tiên từ năm 1970 đến nay. Một sự dàn dựng ngoài sức tưởng tượng, cho vụ thanh trừng ngoạn mục nhất từ khi lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un lên nắm quyền.

Gần đến ngày giỗ lần thứ hai của cha, người thừa kế tuổi ba mươi đã làm cho Bình Nhưỡng phải run rẩy để khẳng định quyền lực của mình. Giáo sư Kim Tae Hyun, trường đại học Chung An giải thích: “Anh ta muốn lấy đó làm gương để chứng tỏ với mọi người ai mới là chúa tể, đồng thời đảm bảo sự ủng hộ của giới đặc quyền”.

Nhân vật được Kim Jong Il giao nhiệm vụ kềm cặp người thừa kế trẻ, nay bị kết án tội trạng nặng nề nhất là “phản cách mạng”. Trong “bản luận tội” đanh thép, KCNA tố cáo ông Jang đã “tạo lập phe nhóm riêng trong đảng. Được tham vọng chính trị thúc đẩy, ông ta đã mưu toan mở rộng ảnh hưởng và xây dựng cơ sở”. Một tội khi quân nghiêm trọng trong chế độ độc tài này, trong đó sự sùng bái lãnh tụ tuyệt đối do họ nhà Kim thiết lập vẫn tiếp tục được đề cao.

Theo nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang của Viện Sejong: “Ông Jang là người duy nhất có thể duy trì được phe nhóm, do là người trong gia đình. Điều này gây ra một sự đối đầu trong nội bộ đảng. Từ nay Kim Jong Un có thể trị vì một mình một chợ”. 

Phò mã năng động, quan chức phản đảng hay người chồng phản bội?

Kim Jong Un và Jang Song Thaek hôm duyệt binh kỷ niệm sinh nhật Kim Jong Il, 16/02/2012.
Nhưng theo Le Figaro, phía sau vụ án chính trị này còn là sự trả thù trong gia đình. Ông Jang, chồng của Kim Kyong Hui – em gái lãnh tụ quá cố Kim Jong Il, bị kết án những tội nặng nề về đạo đức: cờ bạc, hút xách, xa xỉ…Ông thường xuyên đi casino, nghiện ma túy và có “quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ”, theo tuyên truyền của Bình Nhưỡng, mà tờ báo cánh hữu Pháp cho rằng những lời kết án hiếm thấy cho một vụ thanh trừng thật ra là một sự thanh toán trong gia đình đối với người chồng phản bội. Ông Cheong phân tích: “Jang thích gái đẹp, rượu ngon…nên có thể dẫn đến những sai phạm…Vợ ông không thể chấp nhận được sự lầm đường lạc lối này. Kim Jong Un đã can thiệp để rửa nhục cho ‘hoàng gia’ Bình Nhưỡng”. 

Theo Le Figaro, sự sụp đổ của quan nhiếp chính Jang Song Thaek đã được báo trước, vì ông Jang chưa bao giờ hội nhập hoàn toàn vào gia tộc họ Kim. Từ đầu thập niên 70, Kim Il Sung đã phản đối việc con gái mình lấy anh cán bộ trẻ được đào tạo ở Matxcơva, không xuất thân từ một gia đình cách mạng. “Lãnh tụ vĩ đại” cuối cùng đã nhượng bộ con gái, và sự nghiệp của Jang Song Thaek bắt đầu thăng tiến.

Nhật báo Libération cho biết thêm chi tiết: từ cuộc tình này đã sinh ra Jang Kum Song. Cô gái sinh năm 1977, con của ông Jang Song Thaek và bà Kim Kyong Hui, đã theo học ở Paris nhiều năm dưới một cái tên giả. Năm 2006, cô sinh viên từ chối quay trở lại Bình Nhưỡng. Cô đem lòng yêu một chàng trai gặp gỡ trong thế giới tự do nhưng cha cô không chấp nhận. Thất vọng, Jang Kum Song đã tự tử tại thủ đô nước Pháp – theo tờ báo Hàn Quốc Joong Ang.

Jang Song Thaek đã từng bị thanh trừng hai lần, chủ yếu là do tham gia vào những nỗ lực dè dặt nhằm tự do hóa nền kinh tế vào đầu những năm 2000. Ông quay lại với quyền lực nhờ vào cuối đời, Kim Jong Il đánh giá cao kinh nghiệm và khả năng ngoại giao, đã giao phó việc kềm cặp con trai cho ông Jang.

Theo Le Figaro, đó là giờ phút vinh quang của ông Jang. Thậm chí một số còn nghi ngờ rằng Jang Song Thaek mới chính là chúa tể của Bình Nhưỡng, còn Kim Jong Un thiếu kinh nghiệm chỉ là một con rối. Nhưng « con rối » ấy đã chứng tỏ bàn tay sắt : sau khi đưa các tướng lãnh vào khuôn phép, nay Kim Jong Un tự giải phóng khỏi người giám hộ. Trong cuộc đấu với Hoa Kỳ mùa xuân năm ngoái, ông Jang biến mất một cách kỳ lạ trong các lễ nghi chính thức.

Hình phạt nào cho khuôn mặt thân Bắc Kinh Jang Song Thaek ?

Ông Jang Song Thaek đến Bắc Kinh, 17/08/2012.
Là người thân Trung Quốc, chủ trương dùng biện pháp ngoại giao, ông Jang phải đứng bên lề trong lúc những con diều hâu giương móng vuốt. Cuối cùng, lưỡi gươm của « Lãnh tụ tối cao » đã giáng xuống vị Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng đầy quyền lực. Hai trong số các cố vấn chính của ông Jang bị đưa ra tòa án quân sự và bị hành quyết công khai – một cảnh cáo đối với tất cả những ai muốn thách thức lãnh tụ trẻ tuổi từng học ở Thụy Sĩ. Những vụ thanh trừng khác đang được chờ đợi trong những tháng tới để có chỗ cho những cán bộ trung thành, theo mô hình cổ điển của các chế độ cộng sản châu Á.

Dưới mối đe dọa này, một trong những người thân cận của Jang Song Thaek phải trốn chạy sang Trung Quốc, hy vọng sang được Hàn Quốc. Một người thân tín khác hiện là đại sứ Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh đang nằm trong tầm ngắm. Kim Tae Hyun nhận định : « Nhà lãnh đạo sẽ thay thế băng nhóm của ông Jang bằng những người thuộc phe mình ».

Cụ thể, nhật báo Libération dẫn thông tin từ các báo Hàn Quốc cho biết, nhân vật trốn sang Trung Quốc vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, đã được tình báo Hàn Quốc bảo vệ. Đây là một nhân vật chủ chốt, phụ trách việc quản lý các tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài của gia đình họ Kim.

Quan chức bí ẩn này ban đầu đã vượt 2.000 km giữa miền bắc Trung Quốc để cố trốn sang Lào, như hàng ngàn người tị nạn Bắc Triều Tiên khác, nhưng bị lính biên phòng Trung Quốc bắt giữ. Người ta không rõ sau đó người này đã trốn thoát hay được giao lại cho tình báo Hàn Quốc, và Libération cho biết tình báo Mỹ đang cố tiếp cận. Theo một số thông tin không được xác nhận, chính vụ đào thoát này đã khiến sự thất sủng của ông Jang Song Thaek nhanh chóng hơn.

Cũng theo Libération, sự gần gũi của ông Jang với các lãnh đạo Trung Quốc mà ông ta cố sức ve vãn trong hai năm gần đây có thể khiến ông trở thành khả nghi.Vì nếu về mặt chính thức, Bắc Kinh là « đồng minh bất diệt » của Bình Nhưỡng, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Bắc Triều Tiên vẫn nghi ngại Trung Quốc.

Jang Song Thaek đóng vai trò một nhà cải cách, chủ trương cải tổ kinh tế theo kiểu Trung Quốc, mà Bình Nhưỡng luôn bác bỏ. Jang lãnh đạo việc xây dựng hai đặc khu kinh tế do Trung Quốc tài trợ. Ông cũng nổi tiếng ở Bình Nhưỡng vì sở hữu hai cửa hàng sang trọng chuyên bán đồng hồ Rolex, túi xách Vuitton và các loại hàng hiệu khác, trong khi trên lý thuyết việc nhập khẩu hàng xa xỉ bị cấm bởi một nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Chỉ có thể nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc, ông mới nhập được các món hàng sang trọng phục vụ cho giới ăn trên ngồi trước của chế độ.

Tờ báo cánh tả Pháp cho rằng cần phải hiểu ngầm về quan hệ giữa ông Jang với Bắc Kinh trong bản cáo trạng của KCNA : « Jang nói là ủng hộ Đảng và lãnh tụ trong khi ông ta đang có những giấc mơ khác, và có những sắp xếp bí mật trong hậu trường ». Hãng thông tấn nhà nước lên án ông Jang đã « bán đi những nguyên liệu quý giá của đất nước với cái giá rẻ mạt ». Thế nhưng chỉ có Trung Quốc là khách sộp mua nguyên vật liệu của Bắc Triều Tiên.

Le Figaro kết luận, bây giờ cần chờ xem lãnh tụ trẻ tuổi có cạn tàu ráo máng, cho tử hình người chú dượng hay không, theo như những tội danh nặng nề bị lên án. Ông Cheong cho rằng : « Ông ta sẽ lãnh án tối thiểu cũng là chung thân ». Còn nếu thoát được án tử, quan nhiếp chính thất sủng cũng sẽ kết thúc cuộc đời trong một trại cải tạo lao động, nơi các kẻ thù của chế độ chết dần chết mòn trong hiu hắt.

Aung San Suu Kyi : Thần tượng được mến mộ, chính khách cô độc

Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo Le Monde có bài nhận định nói về những khó khăn của « The Lady », tức lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi trong vai trò một chính khách, thay vì hình ảnh một thần tượng bao năm qua.

Tờ báo đặt câu hỏi, điều gì sẽ diễn ra khi thần tượng trở thành chính khách ? Đó là cả một nghệ thuật chuyển đổi tế nhị, mà ông Mandela đã từng trải qua. Bà Aung San Suu Kyi rất ghét câu hỏi này, bà khẳng định từ trước đến nay luôn là một chính khách.

Nếu câu hỏi này là nhạy cảm, thì đó là do thần tượng mang tính thiêng liêng, còn chính khách phải chịu đựng những chỉ trích. Tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bị phê bình là đã thỏa hiệp quá nhiều với giới quân sự, còn ở nước ngoài, bà bị chỉ trích là đã không cứng rắn lên án các vụ tấn công nhắm vào người Hồi giáo và người Rohingya.

Theo Le Monde, con đường rất chật hẹp, và bà biết điều ấy. Dân biểu Su Su Lwin, một người thân cận với bà Aung San Suu Kyi bình luận : « Các thần tượng không phải làm gì, nhưng muốn thay đổi một hệ thống thì cần làm chính trị ». Mà người Miến Điện không làm chính trị từ năm mươi năm qua, họ thích thần tượng hơn. Hpoun Aung, một doanh nhân trẻ tiếc nuối : « Chúng tôi chỉ có mỗi một thần tượng là bà Aung San Suu Kyi, như vậy chưa đủ…Cần phải có thêm nhiều người nữa ». 

Bướng bỉnh nhưng đơn độc, bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo một đảng mà bà không thành công trong việc chuyển đổi thành một tổ chức chính trị thực sự. Luôn được người dân mến mộ, nhưng không có quân cũng như không có một đội ngũ cố vấn, mà theo Hpoun Aung, cũng giống như « một khẩu súng không có đạn ». Le Monde kết luận, là thần tượng, bà tiếp tục thu hút đám đông, nhưng là chính khách, bà Aung San Suu Kyi đang cô độc.

WTO : Một thỏa thuận khiêm tốn

Nhìn rộng ra thế giới, Le Monde trong bài xã luận mang tựa đề « Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): Chủ nghĩa đa phương đang gặp nguy ». Tờ báo cho rằng thỏa thuận được đánh giá là « lịch sử » vừa đạt được thật ra chỉ có ý nghĩa khiêm tốn, và thực tế quan niệm đa phương đang gặp trắc trở.

Theo tờ báo, thỏa thuận về nông nghiệp, viện trợ phát triển và trao đổi thương mại ở Bali ngày 7/12 chỉ mang tầm vóc hạn chế. Không có chương nào dành cho công nghiệp và dịch vụ. Trợ cấp nông nghiệp lẽ ra phải chấm dứt thì lại gia hạn thêm bốn năm, trong khi lý do tồn tại của nó là để đảm bảo an ninh lương thực của một quốc gia. Tại Bali, người ta khoe khoang là việc đơn giản hóa thủ tục sẽ giúp làm lợi cho kinh tế thế giới 1.000 tỉ đô la, nhưng theo các chuyên gia thì con số này không vượt quá 95 tỉ.

Thực tế, quan niệm đa phương đang gặp nhiều trở ngại. Nếu WTO muốn thương mại quốc tế tiếp tục trên căn bản đa phương, thì cần phải có những đối thoại giữa các nước phát triển và nước nghèo, nếu không thì sẽ nở rộ các hiệp ước khu vực như hiện nay.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131210-bac-trieu-tien-thanh-trung-quan-nhiep-chinh-kim-jong-un-chung-to-vai-tro-chua-te

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.