jeudi 16 janvier 2014

Ba bóng hồng của Kim Jong Il (2)

Kim Il Sung cùng vợ là Kim Jong Suk và con trai Kim Jong Il.
Ảo ảnh bao la

Bình Nhưỡng, buổi sáng ngày 21/09/1949.

Kim Jong Suk nhìn theo người chồng rời nhà để đi ủy lạo công nhân. Cô giúp ông đeo chiếc túi xách lên vai, tuy vậy gương mặt cô ủ rũ. Quá trình đấu tranh đã sớm làm tiêu hao sức lực của người phụ nữ 32 tuổi, đang đăm đắm hướng về chiếc xe hơi đưa người chồng đi xa dần.

Cậu bé Kim Jong Il cảm nhận được thần sắc nghiêm trọng của mẹ. Mới bảy tuổi, cậu cũng quyết định nổi loạn, nghiêm chỉnh thông báo cho mẹ là cậu sẽ không đến trường hôm nay. Người mẹ khôn khéo hiểu rõ cách suy nghĩ của trẻ con, nhanh chóng thuyết phục cậu là mẹ sẽ khỏe hơn nếu cậu học bài đàng hoàng. Jong Il nhẫn nhục vâng lời.


Khi đi học về, cậu bé thấy mẹ đang đan quần áo lót bằng len cho chồng, như thường lệ. Nét mặt không còn chút khí sắc, cho thấy một căn bệnh nào đó đang dần xâm chiếm cơ thể. Âu yếm nhìn con, cô nói: “Cha con là một vĩ nhân. Cha đã đưa đất nước đến chiến thắng và nay lãnh đạo dân tộc mình hướng về hạnh phúc. Con phải quan tâm đến cha con, tướng quân Kim Il Sung”.

Cô bắt đầu lịm đi, nhưng còn gắng sức chỉ bảo con về tương lai: “Con phải trung thành với lãnh tụ của chúng ta, và đi theo con đường cách mạng của ông cho đến khi hoàn thành”.

Người ta đưa cô đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Ba tiếng đồng hồ sau đó, vào 2 giờ 40 sáng, trái tim Kim Jong Suk ngừng đập. Trên toàn quốc, dân chúng buồn rầu chen chúc đưa tang cô.

Ngày 24/09/1949, những người bạn chiến đấu khiêng quan tài Kim Jong Suk đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Đoàn xe từ Ủy ban trung ương Đảng chạy ngang qua thành phố, ngừng lại trước chiếc cầu dẫn vào nhà. Trên suốt chặng đường dẫn đến đồi Mẫu Đơn, một đám đông vô tận đứng dọc hai bên đường khóc sướt mướt.

Kim Jong Il chào tiễn biệt mẹ lần cuối, mắt đẫm lệ. Khi trở về nhà, cậu bé chạy vào phòng người mẹ đã khuất, nhưng chỉ tìm thấy món đồ kỷ niệm là một khẩu súng nhỏ bà để lại trên bàn cho cậu. Cậu chĩa nó về phía ngực mình, thề rằng sẽ chỉ sống để thực hiện ước nguyện của mẹ. Khẩu súng là cứu rỗi duy nhất của cậu.

Vài ngày sau đó, cái gia đình đã bị mất đi một thành viên đi viếng người đã khuất. Kim Jong Il nắm tay cô em gái Kim Kyong Hui, ba tuổi. Cậu hy vọng mẹ sẽ đội mồ sống dậy để đón các con. Hai anh em đặt mấy bó hoa lên ngôi mộ, nức nở khóc. Kim Il Sung không thể cầm lòng được, lau nước mắt cho hai con: “Các con không bao giờ được quên mẹ. Mẹ các con là một phụ nữ Triều Tiên tuyệt vời. Mẹ đã cầm súng từ lúc còn rất trẻ để giải phóng đất nước, và chiến đấu bên cạnh ba hơn mười năm trời. Những dấu chân đẫm máu của mẹ cần phải được khắc lên trên những nẻo đường đất nước” (15).

Những ngôn từ có thể an ủi được các nhà tư tưởng, chứ không phải đứa trẻ. Triều Tiên đã được giải phóng khỏi quân Nhật, nhưng cậu bé đã trở nên mồ côi. Từ đó trở đi, mỗi buổi tối Jong Il ngồi trên một băng ghế trong vườn, ngóng chờ người cha trở về. Khi các cận vệ yêu cầu cậu vào trong nhà ngồi đợi, câu trả lời duy nhất của cậu là mẹ có thói quen ngồi đón cha ở đây, và cậu đã hứa sẽ làm tất cả những gì mẹ đã làm để cha hài lòng.

Một thời gian sau, đến lượt Kim Kyong Hui ngã bệnh. Sợ lại mất thêm một người thân yêu, Jong Il không thể không cầu cứu. Quay về phía ngọn đồi người mẹ đang yên nghỉ, cậu kêu to và khóc nức nở: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”.  Nhưng rừng núi vẫn câm lặng. Jong Il, khi chào đời được cả dân tộc hoan hỉ, coi là người cứu rỗi quốc gia. Tuy vậy cậu không thể cứu được mẹ mình – nguồn cảm hứng của cuộc cách mạng đỏ, người mới cách đó một năm còn hãnh diện đứng cạnh hai cha con trên quảng trường lớn nhất thủ đô để mừng ngày đất nước giải phóng.

Hôm 22/09/1949 ấy, nguyên nhân chính thức về cái chết của Kim Jong Suk được loan báo là “một cơn đau tim”. Con trai một cựu Thủ tướng Bắc Triều Tiên đã đào thoát lại kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện khác hẳn.

Người phụ nữ trẻ, sau khi bị sẩy thai một đứa con khác, đã tử vong vì bị băng huyết ồ ạt. Cô đã kiên nhẫn chờ đợi người chồng trở về trước khi gọi bác sĩ. Nhưng Kim Il Sung, lấy cớ đang có những việc rất quan trọng để lần khân, khi trở về chỉ còn nhìn thấy một cái xác đẫm máu (16). Người phụ nữ kiên nhẫn vô hạn Jong Suk như vậy đã để mặc cho mình chết từ từ. Đó là do nỗi buồn khôn nguôi của một người mẹ, hay là nỗi thất vọng của một người vợ bị chồng phụ bạc?

Từ khi quay lại vùng đất hứa, quyền lực của Kim Il Sung còn vươn khỏi lãnh vực chính trị. Mối quan tâm đầu tiên của ông là tìm lại một trong số những người tình cũ - nữ đồng chí Han Song Hui, người mà ông từng sống chung một thời gian ngắn khi hoạt động du kích. Cô này lúc bị quân Nhật bắt vào tháng 4/1940 đã hãnh diện khai rằng mình là vợ của ông. Kim Il Sung cấp cho cô một tòa nhà đồ sộ nằm kín đáo tại một vùng quê gần thủ đô, chu cấp các nhu cầu của Song Hui và những đứa con mà cô đã sinh cho ông, nhưng ông không bao giờ muốn nhìn nhận (17).

Chàng Kim Il Sung đào hoa nhanh chóng thấy chán cố nhân. Con người quyền lực nhất đã biến thành một thứ Thượng đế đã sáng lập Bắc Triều Tiên, kéo theo phía sau cả một đạo quân phụ nữ bị chinh phục.  Nụ cười ông “đặc biệt biểu cảm” (18) – theo như tiểu sử chính thức, cộng với giọng nói đầy nhục cảm.

Một sĩ quan đã đào thoát nhớ lại: “Ông rất cuốn hút (…). Khi ăn tối chung, ông rất hào phóng và nồng nhiệt. Đó là một người đàn ông đẹp trai, trừ “trái cấm” ở cổ. Giọng nói ông rất đặc biệt: hầu hết mọi người phát âm bằng cổ họng, nhưng ông phát âm từ bụng, cứ như một ca sĩ opéra”(19).  Đối với những ai không bị chinh phục bằng tài năng nói giọng bụng, Kim Il Sung còn có một vũ khí bất ngờ khác: “Nét mặt ông rất cân đối. Ông hết sức quyến rũ, và có một lúm đồng tiền trên má trái” (20).

Sự thu hút của Kim Il Sung còn vượt ra ngoài biên giới Triều Tiên. Nhà văn Đức nổi tiếng Luise Rinser không bỏ lỡ dịp phục vụ độc giả châu Âu với những cuộc gặp gỡ tướng quân liên tục. Một hôm, nhà văn nữ tặng ông một bó hoa, và cô thì thầm vào tai ông: “Tôi chưa bao giờ dâng hoa cho Thượng đế, cho dù tôi sốt sắng cầu nguyện. Bây giờ tôi xin tặng anh bó hoa này. Tôi chắc chắn rằng anh rất xứng đáng vì anh đã xây dựng nên một cộng đồng bình đẳng toàn cầu, điều mà thậm chí Thượng đế không làm được”(21).  Trong một chuyến viếng thăm trước đó, con người đã từng kháng cự lại nét duyên từ đất nước Hitler, đã tặng cho cô một chiếc nhẫn, nối liền hai số phận với nhau.

Ngay từ thập niên 30, ông đã tìm được người đẹp Han Yong Ae để điểm tô cho những đêm dài du hành, đưa ông đến đất nước xô-viết dự đại hội Đệ tam Quốc tế. Nữ đồng chí hồn nhiên này giúp ông vượt qua biên giới Nga bằng cách cải trang thành nông dân Trung Quốc. Cho đến những phút cuối của cuộc đời, ông vẫn còn giữ bức ảnh của người đồng chí đặc biệt mà đôi khi ông mê mẩn ngắm nghía “để nhớ lại tất cả những gì cô ấy đã làm cho tôi (…), với tình cảm yêu thương tuyệt vời và tình đồng chí trong sáng, không một chút ích kỷ” (22).

Nhưng Han Yong Ae cũng chưa đủ để lấp đầy trái tim tướng quân. Người thay thế cô là Choe Kum Suk, một người bạn tốt “cao thượng như một người đàn ông và nồng nhiệt (…), một phụ nữ nguyên tắc, trung thành với cách mạng. Cô ấy có thể kéo cả một chiếc tàu đi trên bãi cát nếu tôi yêu cầu” (23) – vị tướng nhớ lại.

Cô chăm sóc cho ông khi ông bị sốt phát ban, và ông thích nhái cái giọng miền bắc buồn cười của cô, trêu chọc vẻ ngoài thiên thần của cô gái. “Cô ấy không phải là một tuyệt sắc giai nhân. Nhưng đối với tôi, những phụ nữ như thế trong vùng kháng chiến còn xinh đẹp và quý báu hơn các cô gái ở thành phố lớn”. Tiếc thay, cô bạn đồng hành mũm mĩm ấy đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của quân Nhật.

Có lẽ cuối cùng Kim Il Sung đã chọn lựa Kim Jong Suk vì cô còn sống sót, trong khi những người khác xung quanh ông đã lần lượt biến mất.

Chỉ trong vài tuần lễ, vũ trụ của Kim Jong Il sụp đổ. Người mẹ kính yêu với tình yêu thuần khiết dành cho người cha, vừa nằm xuống không bao lâu đã bị thay thế bằng một phụ nữ khác. Từ nhiều tháng qua, Kim Il Sung duy trì quan hệ mật thiết với một nữ nhân viên đánh máy trẻ tuổi của Bộ Nội vụ, và đã chuyển cô sang văn phòng mình làm thư ký riêng. Lý lịch hoàn hảo về chính trị của gia đình cô hoàn toàn được sáng tác ra.

Kim Jong Il sinh ra tại Xibêri, gần làng Khabarovsk bên bờ Hắc Long Giang, nơi người cha đã trú ẩn ở đây và trở thành nông dân – theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô cũ (24). Như vậy nơi sinh của Jong Il là một nông trang nghèo khổ ở Nga, chứ không phải trên đỉnh non Paetku quanh năm tuyết phủ.

Việc lâm bồn của Kim Jong Suk cực kỳ đau đớn, do không có bác sĩ sản khoa đỡ đẻ. Sau nhiều tiếng đồng hồ, cô mới thoát được nguy hiểm nhờ sự hiện diện tình cờ của một viên thú y tập sự người Nga, đến hỗ trợ vừa đúng lúc. Kim Jong Il còn được đặt cho một cái tên Nga: Yuri Irsenovitch Kim. Câu chuyện huyền hoặc về sự ra đời của Jong Il dưới tiếng rít của những lằn đạn Nhật và một ngôi sao bỗng xuất hiện trên bầu trời, tất cả chỉ là huyền thoại.

Kim Il Sung, cha của Kim Jong Il cũng chẳng phải là lãnh tụ vinh quang của Quân đội nhân dân ẩn trú trong rừng taiga Mãn Châu. Ông chỉ là người chỉ huy bình thường của một toán quân gồm vài người Triều Tiên gốc Hoa được sáp nhập vào lữ đoàn 88 quân đội xô-viết, do một người Hoa là Chu Bảo Trung (Zhou Baozhong) lãnh đạo. Được chế độ Stalin chọn lựa nhờ dễ bảo, không ai ngờ được rằng chính quyền của Kim Il Sung tồn tại được sau khi Liên Xô tan rã, và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu.

“Người hùng” giải phóng dân tộc, lãnh tụ Kim Il Sung, chẳng bao lâu sau đó đã đặt đất nước dưới một chế độ thanh trừng khắc nghiệt, với việc sáp nhập tất cả các nghiệp đoàn và đảng phái vào chung một “Mặt trận dân chủ vì thống nhất Tổ quốc”. Ngôi sao duy nhất gắn chặt vào bầu trời hỗn mang này đối với cậu bé Kim Jong Il là người mẹ tận tụy Kim Jong Suk, người phụ nữ hoàn hảo trong vũ trụ của tình mẫu tử.

Trích nguồn :

(15) Kim Jong Il Biography, Foreign Language Publishing House, Bình Nhưỡng, Juche 94 (2005)
(16) Lời kể của Kang Myong Do cho Tae Won Ki trong Djoong Ang Ilbo, tháng 4/1995. Thông tin về vụ sẩy thai do tờ báo cộng sản Nhật Akahata ngày 28/09/1949 tiết lộ, được Dae Sook Sue nhắc lại trong tác phẩm Kim Il Sung, Columbia University Press, 1995.
(17) Vô danh, do Bradley K.Martin phỏng vấn trong tác phẩm Under the Loving Care of the Fatherly Leader: North Korea and the Kim Dynasty, New York, St. Martin’s Press, 2006.
(18) Baik Bong, Kim Il Sung, Biography, Tokyo, Miraisha, 1969-1970.
(19) Kim Jong Min, trả lời phỏng vấn Bradley K.Martin.
(20) Won Tay Sohn, thư gởi Bradley K.Martin.
(21) Luise Rinser, “North Korean Travelogue”, Another Motherland, Francfort, Fisher Taschenbuch Verlag, 1981.
(22) Il Song Kim, Kim Il Sung: With the Century, tập 2.
(23) Il Song Kim, Kim Il Sung: With the Century, tập 3.

(24) Tập thể tác giả, North Korea: General Secretary Kim Jong Il, USA International Business Publications, Washington, 2011.

Mời đọc lại:

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.