samedi 24 octobre 2015

Anh : Cựu sinh viên Thiên An Môn bị câu lưu vì biểu tình chống Tập Cận Bình

Ông Thiệu Giang bị  cảnh sát Anh bắt vì biểu tình khi đoàn xe Tập Cận Bình đi qua.
(AFP 23/10/2015) Một nhà đấu tranh, cựu sinh viên phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn đã bị cảnh sát Anh câu lưu và khám xét nhà, sau khi ông biểu tình gần đoàn xe của Tập Cận Bình.

Sự việc diễn ra hôm thứ Tư 21/10 lúc đoàn xe chở chủ tịch nước Trung Quốc đang chạy trên đường phố Luân Đôn. Những hình ảnh chiếu trên kênh Channel 4 cho thấy Thiệu Giang (Shao Jiang), giáo sư đại học 47 tuổi, blogger viết cho Amnesty International, giơ những tấm biểu ngữ khi Tập Cận Bình đi qua. Ông bị nhiều cảnh sát chạy đến bắt giữ một cách thô bạo.


Vào lúc bị bắt, ông Thiệu Giang đang đứng trên lề đường và dường như đã qua mặt được lực lượng an ninh. Cảnh sát nói rằng việc bắt giữ ông là do nghi ngờ có « hành vi đe dọa ». Hai người Tây Tạng cũng bị bắt trong dịp này, và nhà riêng của họ cũng bị khám xét như ông Thiệu Giang. Bị tạm giam sau đó, họ được trả tự do hôm thứ Năm 22/10.

Bà Johanna Zhang, vợ ông Thiệu Giang phản ứng: « Tôi không nghĩ rằng một chuyện như thế lại có thể xảy ra trên đất Anh. Điều này làm tôi nhớ lại lúc công an Trung Quốc lục soát nhà chúng tôi ở Hoa lục, trước khi chúng tôi phải bỏ trốn và trở thành người tị nạn chính trị ».

Bà Zhang khẳng định cảnh sát đã tịch thu hai máy tính, một máy tính bảng và một USB, ra lệnh cho chồng bà không được đến gần Tập Cận Bình quá 100 mét. Còn trên những tấm biểu ngữ nhỏ mà chồng bà giơ lên lúc bị bắt có các khẩu hiệu của Amnesty International : « Hãy chấm dứt độc tài », « Dân chủ ngay từ bây giờ ».

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này tỏ ra ngạc nhiên vì vụ câu lưu trên. Ông Allan Hogarth, một đại diện của Amnesty International nhấn mạnh : « Chừng như câu trả lời này quá thô bạo đối với một cuộc biểu tình ôn hòa. Cảnh sát cần khẩn cấp giải thích cho ông Thiệu Giang vì sao họ lại xông vào tư gia và tịch thu tài sản của ông ».

Theo Amnesty, ông Thiệu Giang đã đóng « một vai trò tích cực trong phong trào dân chủ » ở Thiên An Môn – mà quân đội Trung Quốc đã đàn áp trong biển máu hôm 4 tháng Sáu năm 1989.


Chuyến công du Anh quốc của Tập Cận Bình được ghi dấu bởi nhiều cuộc biểu tình của các tổ chức như Free Tibet hay Amnesty International. Họ chỉ trích chính phủ Anh đã coi trọng lợi ích kinh tế hơn là vấn đề nhân quyền.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.