lundi 12 septembre 2016

Ngày 11/9 làm thay đổi diện mạo thế kỷ 21 (1)



Tưởng niệm các nạn nhân 11/9 tại Malibu, California ngày 11/09/2016.

(Le Figaro 10/09/2016) Ngày 11/09/2001 là một trận sấm sét trên bầu trời yên tĩnh, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chấn động gây ra long trời lở đất cho đến nỗi đã vẽ lại toàn bộ thế trận địa chính trị trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

Bầu trời yên ả ấy là của một nước Mỹ hùng mạnh và an bình. Mười năm trước đó, Hoa Kỳ đã thắng trong cuộc chiến tranh lạnh mà không cần phải bắn một phát súng nào. Liên Xô đã sụp đổ, Hiệp ước Vacxava đã tan rã. Vì lý do kinh tế, Bắc Kinh chỉ nghĩ có mỗi một điều là làm thế nào khiến Washington hài lòng. Liên hiệp Châu Âu tỏ ra là một đồng minh ngoan ngoãn. Ngây thơ và chẳng có một đối thủ nào, siêu cường Mỹ áp đặt luật lệ cho toàn thế giới.


Ví dụ điển hình nhất là chiến dịch ngoạn mục của NATO tại châu Âu cách đó hai năm. Nước Mỹ đã có được sự đồng ý của các đối tác trong Minh ước Bắc Đại Tây Dương vào tháng 3/1999 để tung ra cuộc chiến nhắm vào Serbia, nhằm hỗ trợ phe ly khai Albani ở Kosovo. Cuộc chiến này bất hợp pháp đến hai lần : không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và đi ngược lại với chủ trương tẫn công chỉ để phòng vệ của NATO.

Nhưng tất cả đã diễn ra một cách dễ dàng, và sau ba tháng không kích, Belgrade đành chấp nhận nhả ra tỉnh tự trị này của mình, dù Kosovo là chiếc nôi thời Trung cổ của Chính thống giáo. Và Lầu Năm Góc có thể thiết lập tại đó một căn cứ quân sự đại quy mô mang tên Camp Bondsteel.

Vụ tấn công ngày 11 tháng Chín năm 2001 là một bất ngờ khủng khiếp đối với Hoa Kỳ. Nhưng nỗi kinh hoàng này đã giúp đại cường chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế cả về ngoại giao, tình cảm, kinh tế, tài chính lẫn quân sự, kể từ Đệ nhị Thế chiến. Tất cả các nước trên thế giới đều đứng sau ủng hộ nước Mỹ, kể cả nước Nga của Putin và Iran của Khamenei.

 
Thiếu vắng một cái đầu lạnh trước việc World Trade Center bị phá hủy, coi vụ tấn công khủng bố thành công này là tấn công chiến lược như Trân Châu Cảng,  cùng với vô số vụng về địa chính trị, chính quyền Cộng Hòa tân bảo thủ vô tình củng cố ý thức hệ Hồi giáo mà Mỹ muốn đánh bại, và khiến nước Mỹ phải bước xuống khỏi tượng đài hoàn vũ, nơi phô bày vinh quang chiến thắng trước chủ nghĩa cộng sản.

Sai lầm đầu tiên là ứng xử kiểu cao bồi : « Ai không đứng về phía chúng ta là chống lại ta ! » - tổng thống George W.Bush đã tuyên bố như vậy. Thế nhưng khi người ta rất mạnh, ta có thể tự cho phép hạ giọng. Chỉ khi nào quá yếu thì mới không có chọn lựa nào khác ngoài cách cao giọng, như lời kêu gọi cầm vũ khí chống lại Đệ tam Quốc xã của tướng De Gaulle tại Luân Đôn. Thay vì gởi đến Kaboul quan chức phụ trách Trung Á của bộ Ngoại giao để trực tiếp thương lượng với phe Taliban và nhã nhặn đòi hỏi phe này giao nộp Ben Laden, Nhà Trắng lại giao nhiệm vụ ngoại giao này cho người Pakistan, có nghĩa là kẻ đỡ đầu truyền thống của Taliban !

Người Mỹ tin rằng Pakistan luôn là đồng minh của mình, vì đã chấp nhận cho mượn các căn cứ không quân và tạo điều kiện cho công tác hậu cần, phục vụ cho trận đánh chống lại vương quốc Hồi giáo của Afghanistan hôm 07/10/2001. Nhưng Washington không hề nhận ra tính hai mặt của ISI (cơ quan tình báo quân sự đầy quyền lực của Islamabad), miệng nói giúp người Mỹ, nhưng lại bí mật cung cấp nơi trú ẩn cho quân Taliban lẩn trốn và cho chính Ben Laden.

Về mặt chiến thuật, cuộc chiến tranh đầu tiên của Mỹ tại Afghanistan là một thắng lợi rực rỡ ! Đổ ra hàng triệu đô la, CIA (được Iran và Nga ngầm ủng hộ) đã thành công trong việc thúc đẩy người Tadzhikistan và Uzbekistan của Liên minh phương Bắc, để họ tấn công vào Taliban người Pachtun (với sự hỗ trợ của Không quân Mỹ) đang nắm Kaboul. Quân Taliban rút lui, biến mất, và thủ đô Afghanistan được giải phóng ngày 13/11/2001trong sự vui mừng tột độ. Tất cả những hang ổ của quân Ả Rập Hồi giáo quốc tế đều bị đặc nhiệm Mỹ phá hủy. 

Phương Tây ngây ngất với một chiến thắng vang dội và nhanh chóng đến thế. Tại Hội nghị Bonn tháng 12/2001, họ loan báo sẽ « tái thiết, dân chủ hóa và phát triển » Afghanistan, cứ như là đã quay lại với thời kỳ « khai hóa thuộc địa ». Các nước phương Tây sắp phạm một sai lầm chết người (mà họ chỉ nhận ra được 5 năm sau đó) là giao phó việc tái thiết cho những người lính NATO, không biết là dân quê Afghanistan không hề ưa những người ngoại quốc mang vũ khí đi lại trong những thung lũng của họ, dù với những ý định tốt đẹp nhất. 
(Còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.