mardi 13 décembre 2016

Khái niệm « Một nước Trung Hoa » từ đâu ra ?



Donald Trump trên báo chí Trung Quốc.

(Le Monde 12/12/2016) Từ năm 1972, Hoa Kỳ đã nối lại quan hệ với Trung Quốc, trong lúc vẫn duy trì sự hỗ trợ quân sự cho Đài Loan. Một sự thăng bằng mà nay Donald Trump tuyên bố sẵn sàng xét lại.

Tháng 7/1971, sau khi ghé qua Pakistan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã bí mật sang Bắc Kinh, một chuyến đi sẽ làm thay đổi cục diện quan hệ quốc tế. nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài nơi ông được đón tiếp, câu khẩu hiệu « Lật đổ đế quốc Mỹ và những con chó hoang của chúng ! » vẫn hiện diện tại đó.


Chuyến viếng thăm kết thúc với một thông báo lịch sử : tổng thống Richard Nixon sẽ đến Trung Quốc vào năm sau. Hoa Kỳ, cho đến lúc đó vẫn bị coi là kẻ thù của nước cộng sản Trung Quốc, đã tính toán rằng khi mở cửa với Bắc Kinh, sẽ gây áp lực lên Liên Xô và tạo được đòn bẩy tại Việt Nam đang trong chiến tranh.

Sự nhượng bộ của Mỹ

Để đạt mục đích, Hoa Kỳ phải nhượng bộ một trong những yêu sách mạnh mẽ nhất của Trung Quốc : Đài Loan, nơi đội quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chạy sang năm 1949 sau khi bại trận trước quân cộng sản tại Hoa lục. Kể từ đó, có hai nước Trung Hoa đều tự cho là hợp pháp : Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hoa lục, và Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Đài Loan, hiện diện tại Liên Hiệp Quốc từ 1950 đến 1971.

Chu Ân Lai và TT Richard Nixon năm 1972.
Năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon và thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai công bố một thông cáo được hoàn tất trong một gian phòng của khách sạn sang trọng Cẩm Giang (Jinjiang), tại tô giới cũ của Pháp ở Thượng Hải. Dòng thứ 12 ghi : « Hoa Kỳ nhìn nhận tất cả những người Hoa ở hai bên bờ eo biển Đài Loan, duy trì rằng chỉ có một nước Trung Hoa và Đài Loan thuộc về Trung Quốc ».

Cắt đứt nhưng ủng hộ

Bảy năm sau, dưới thời tổng thống Jimmy Carter, Washington hoàn tất việc chuyển hướng, thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh và cắt đứt với Đài Loan. Đổi lại, cũng trong năm 1979 thông qua một đạo luật, Hoa Kỳ cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan trong trường hợp bị Hoa lục tấn công, và tiếp tục bán vũ khí cho Đài Bắc. Các mối liên hệ sâu sắc vẫn tiếp tục, nhưng ngày càng ít các cuộc gặp ở cấp nguyên thủ.

Tổng thống tân cử Donald Trump có vẻ không quan tâm lắm đến sự thăng bằng này. Sau khi chấp nhận cuộc gọi của tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, quay mặt với thói quen suốt hơn bốn thập niên qua trong quan hệ Mỹ-Trung, hôm 3/12 ông Trump còn viết trên Twitter : « Thú vị nhỉ, khi Hoa Kỳ bán cho Đài Loan hàng tỉ đô la trang thiết bị quân sự, thế mà tôi không thể nhận một cuộc gọi chúc mừng ».

Trung Quốc ban đầu muốn coi đây là dấu hiệu cho thấy Donald Trump không hiểu hết sự phức tạp của quan hệ quốc tế, báo chí nhà nước và ngành ngoại giao Trung Quốc mất một thời gian mới có phản ứng.

Nhưng nay thì họ báo động khi nhận ra rằng đây là thái độ nghiêm túc. Ông Trump không coi việc Mỹ công nhận « chỉ có một nước Trung Hoa » là cơ sở bất di bất dịch, mà như một đòn bẩy để thương lượng, đổi lấy các nhượng bộ của Trung Quốc. Nhà tỉ phú đã xác nhận điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News hôm Chủ nhật 11/12, khi tuyên bố : « Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải gắn với chính sách ‘Một nước Trung Hoa’, trừ phi chúng ta thỏa thuận với Trung Quốc về những việc khác, như thương mại chẳng hạn ».

Bà Thái Anh Văn trong cuộc điện đàm lịch sử với ông Donald Trump ngày 03/12/2016.
Thời điểm lại càng nhạy cảm hơn đối với Trung Quốc khi song song đó tại Đài Loan, một chính phủ mới tỏ ra nhập nhằng trong việc diễn dịch khái niệm này. Lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa lục trên nền kinh tế và đời sống chính trị, sau tám năm xích lại gần Bắc Kinh dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu và Quốc Dân Đảng của ông này, người dân Đài Loan hồi tháng Giêng đã dồn phiếu cho bà Thái Anh Văn, và đảng Dân Tiến của bà.

Bà Thái đắc cử tổng thống với lời hứa Đài Loan sẽ giữ khoảng cách với Hoa lục. Bà từ chối sử dụng công thức « đồng thuận 1992 », khi hai cơ quan phụ trách quan hệ song phương của Bắc Kinh và Đài Bắc gặp gỡ nhau. Từ đó đến nay, đôi bên công nhận « Một nước Trung Hoa » nhưng duy trì cách diễn dịch riêng của mình.

Đối với những người ủng hộ bà Thái, thỏa thuận mặc nhiên 1992 là hình thức một ngày nào đó sẽ phải thống nhất dưới sự kiểm soát của Trung Quốc hùng mạnh - mà họ từ chối. Thế nên trong bài diễn văn nhậm chức hồi tháng Năm, bà Thái Anh Văn chỉ nhìn nhận « sự kiện lịch sử » của cuộc gặp.

Sự thách thức của ông Trump là cú đòn thứ hai trong năm nay đánh vào điều mà Trung Quốc coi là chuyện đã rồi, không thể bàn cãi. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) hôm thứ Hai 12/12 đã nhắc nhở « Một nước Trung Hoa »« cơ sở chính trị », mà nếu không dựa vào đó thì « không có việc hợp tác ».

Vẫn luôn là tiếng nói diều hâu, Hoàn cầu Thời báo điểm qua những biện pháp trả đũa : « Đáp trả những khiêu khích của ông Trump, Bắc Kinh có thể hỗ trợ thậm chí cả về quân sự cho những kẻ thù của Hoa Kỳ. Chính sách một nước Trung Hoa đã duy trì hòa bình thịnh vượng cho Đài Loan, và nếu bị từ bỏ, quan hệ đôi bên sẽ gặp bão tố thực sự. Trung Quốc sẽ áp dụng một loạt chính sách mới nhắm vào Đài Loan, thay vì thống nhất hòa bình thì có thể chiếm lại bằng quân sự nếu ông Trump tiếp tục dấn tới ».

Tờ báo chính thức này trong bài xã luận đã cảnh báo : « Chính sách một nước Trung Hoa không phải để bán chác ». Một logic mà người tự nhận là vô địch về « deal » vẫn kín kẽ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.