lundi 12 décembre 2016

Tổng thống- doanh nhân Donald Trump: Hại nước, lợi nhà ?



Các đơn vị kinh doanh của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trên thế giới.

(Libération 12/12/2016) Đế chế tài chính và địa ốc được tổng thống tương lai đầu tư trên toàn thế giới, có nguy cơ cao độ sẽ định hướng các hành động chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Trong một phòng khách, dưới trần nhà tráng lệ cao năm mét điểm xuyết bằng những chùm đèn mạ vàng, khoảng một trăm nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới nhấm nháp loại rượu vang trắng hiệu Trump được cất năm 2009 từ loại nho Chardonnay có mùi lê và chanh, sản xuất từ đồn điền trồng nho của Donald Trump ở Virginia. Hoạt cảnh - được Washington Post kể lại - diễn ra một tuần sau cuộc bầu cử tổng thống tại Trump Hotel, khách sạn sang trọng mới khai trương ở Washington nằm cách Nhà Trắng chỉ vài trăm mét.

Để nghỉ ở đó, cần phải chịu khó chi tiền : ít nhất 420 đô la cho một phòng bình thường, hơn gấp đôi cho phòng suite Ivanka và đến 20.000 đô la cho phòng suite sang trọng nhất có diện tích gần 600 mét. Nhưng hóa đơn tính tiền không quan trọng mấy : rõ ràng từ khi nhà tỉ phú bất ngờ thắng cử hôm 8/11, khách sạn năm sao tại vị trí nhà bưu điện cũ của thủ đô nước Mỹ đã trở thành the place to be đối với các nhà ngoại giao nước ngoài.

Tờ Post viết, xài tiền ở đó được coi là « một hành động thân hữu dễ dàng » đối với tổng thống tương lai. Một nhà ngoại giao châu Á giấu tên thổ lộ : « Tại sao tôi lại không lưu trú trong khách sạn của ông ấy, nằm cách Nhà Trắng chỉ vài con đường ? Bằng cách đó tôi có thể nói với tân tổng thống : ‘Tôi rất thích khách sạn mới của ngài !’ »

Một sảnh trong khách sạn Trump

Tình huống chưa từng có

Ví dụ này là một trong hàng mấy chục trường hợp khác, gợi lên mối quan ngại về xung đột lợi ích giữa ông Trump nguyên thủ và Trump doanh nhân. Hoặc như New York Times đã đặt tên trong một bài điều tra dài đăng ngày 26/11, « The Businessman President ».

Đứng đầu một gia tài được Forbes ước lượng gần 4 tỉ đô la, Donald Trump lãnh đạo một thiên hà ít nhất 500 công ty nằm rải rác ở Hoa Kỳ và ngoại quốc. Tầm cỡ thực sự của đế chế thương mại này - tích sản, nợ, các quan hệ - dù vậy vẫn là bí mật. Cũng như mọi ứng cử viên Nhà Trắng khác, Donald Trump đã nộp tờ khai thuế cá nhân cho ủy ban bầu cử. Ngược lại trái với thông lệ, ông ta từ chối công bố bản khai thuế, có thể cho biết nhiều hơn về tỉ lệ đóng thuế và các quan hệ làm ăn ở nước ngoài.

Nhắc lại câu khẩu hiệu « drain the swamp » (« làm khô đi đầm lầy »), suốt chiến dịch tranh cử Trump đã hứa hẹn sẽ quét sạch khỏi thủ đô nước Mỹ các tổ chức lobby và nạn tham nhũng. « Nhưng để cải tổ Washington, ông ấy phải giải quyết các xung đột lợi ích bao quanh », theo Richard Painter, « cố vấn đạo đức » của Nhà Trắng dưới thời George W.Bush. Nếu không, chính quyền của ông sẽ « thiếu tính khả tín ».

Khách sạn Trump International tại Washington DC.

Hôm 17/11, hơn một chục tổ chức và cá nhân về vấn đề đạo đức và minh bạch trong chính trị đã gởi thư ngỏ cho tổng thống tân cử. Những người ký tên, trong đó có Richard Painter, kêu gọi ông Trump « cắt đứt mối liên hệ » với đế chế địa ốc của ông nhằm tránh « tạo ra các xung đột lợi ích mang tầm cỡ chưa từng thấy ».

Tình hình đúng là vô tiền khoáng hậu. Chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ, một tổng thống lại sở hữu một đế chế tài chính, bộ sưu tập các tòa nhà, khách sạn, sân gôn và nhãn hiệu (nước hoa, trang trí…) phân bổ trên đất Mỹ và khắp nơi trên thế giới như thế. Theo hai cuộc điều tra riêng rẽ của Washington PostNew York Times, Trump Organization hiện diện tại ít nhất hai chục quốc gia, đặc biệt tại các cường quốc mới nổi và các nước đang phát triển.

Trên cơ sở thông tin do ông Trump cung cấp cho ủy ban bầu cử, Washington Post nhận diện được 111 doanh nghiệp có liên quan đến nhà tỉ phú, hoạt động tại 18 nước. Nhiều công ty mà trong đó ông Trump thường liên doanh với các đối tác địa phương, có thể tạo ra xung đột giữa lợi ích ngoại giao mà tổng thống phải bảo vệ, và lợi ích của doanh nhân Trump.

Khách sạn quốc tế của Donald Trump nhìn từ Nhà Trắng.

Nợ nần rất lớn

Tại Philippines chẳng hạn, một nhà kinh doanh địa ốc giàu có, là cổ đông và là bạn của Donald Trump, mới đây đã được ông tổng thống gây tranh cãi là Rodrigo Duterte bổ nhiệm làm đặc sứ ở Hoa Kỳ. Danh nghĩa « hai trong một » vừa ngoại giao vừa thương mại này gợi lên những nghi ngờ về khả năng của tổng thống Mỹ tương lai trong việc giải quyết những căng thẳng song phương với Manila.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan đã yêu cầu gỡ tên nhà tỉ phú khỏi các tòa tháp Trump ở Istanbul sau lời kêu gọi cấm người Hồi giáo vào Hoa Kỳ. Từ đó trở đi, Donald Trump đã ủng hộ xu hướng độc đoán của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Các vụ tấn công các tòa tháp Trump ngưng lại, gây quan ngại là chính sách của tổng thống tương lai đối với Ankara có thể bị ảnh hưởng bởi lợi ích thương mại. Ở Ấn Độ, quốc gia mà Donald Trump có nhiều dự án đang triển khai nhất, nhiều công ty địa ốc có phần hùn của ông Trump là sở hữu của các chính khách địa phương.

Ngoài ra, để tài trợ cho nhiều dự án trên khắp thế giới, Trump Organization mắc nợ rất nhiều. Một số người coi đây là nguy cơ nội tại của xung đột lợi ích. Richard Painter lo ngại : « Xung đột quan trọng nhất không phải liên quan đến những gì Trump sở hữu, mà là những gì ông ta và các công ty của ông nợ. Đế chế địa ốc của Trump thịnh vượng nhờ tiền đi vay mượn. Đối với các chủ nợ muốn tìm cách dụ dỗ một tổng thống quyền lực, cho vay dễ dàng có thể trở thành nguyên tắc. Đổi lại, ông ấy có thể giảm nhẹ các quy định về ngân hàng ».

Donald Trump tại khách sạn mới khai trương ở Washington.

Theo Wall Street Journal, chẳng hạn tổng thống tân cử từ năm 1998 đã vay được khoảng 2,5 tỉ đô la từ Deutsche Bank, và nay còn nợ 350 triệu đô la. Trong khi ngân hàng Đức này bị khởi tố vì vai trò trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sắp bị cơ quan chức năng của Mỹ buộc đóng món tiền phạt khổng lồ - con số đang được thương lượng. Nếu ông Trump thừa hưởng hồ sơ này, ông sẽ có quyết định khoan hồng hơn chăng ?

Để tránh rủi ro xung đột lợi ích, có nhiều giải pháp cho người kế nhiệm ông Barack Obama. Một trong số đó là giao phó các hoạt động kinh doanh cho một « blind trust » - một cơ cấu tài chính độc lập mà ông Trump hoàn toàn không có quyền dòm ngó vào. Theo các chuyên gia, giải pháp này tuy vậy không giải quyết được vấn đề, vì nhà tỉ phú biết rõ tính chất và địa điểm các món đầu tư của mình. Robert Weissman, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Public Citizen giải thích : « Một khi bạn sở hữu các tích sản ấy, và bạn ý thức các lợi ích thương mại, không thể nào tạo ra những vách ngăn trong đầu. Vì thế mà điều này gọi là xung đột lợi ích ».

Để blind trust có được hiệu quả, cần phải bán đi những tích sản của Trump và số tiền bán được phải được đầu tư vào những quỹ mà ông ta không biết được nội dung. Wall Street Journal đề nghị giải pháp tốt nhất là « bán hết các phần hùn của Trump trong công ty ».

Hai vợ chồng Ivanka Trump trò chuyện với thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Nhưng đối với đương sự thì đừng trông mong việc này. Đã hẳn là trên Twittter, Trump khẳng định ý muốn rời khỏi « công ty tuyệt vời » của mình để « tập trung hẳn và toàn bộ » vào trách vụ tổng thống. Và cam kết đến ngày 15/12, nhân một « cuộc họp báo quan trọng » có sự hiện diện của các con, ông Trump sẽ cho biết chi tiết về tổ chức. Nhưng theo những gì ghi nhận được thì Trump sẽ giao phó việc quản lý đế chế địa ốc cho các con ông là Donald Jr., Eric và Ivanka, hiện đã là các phó giám đốc của Trump Organization.

Vấn đề là các con ông Trump cũng tham gia ê-kíp chuyển đổi chính trị của tổng thống tương lai, gây ra những ngờ vực đối với ý định thực sự của gia đình nhà Trump trong việc tách biệt kinh doanh với chính trị. Sự hiện diện của Ivanka Trump trong buổi tiếp đón của cha cô với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe – cuộc đối thoại ngoại giao đầu tiên của tổng thống tương lai với một lãnh đạo nước ngoài – cũng đã gây ra nhiều chỉ trích.

« Luật lệ hoàn toàn đứng về phía tôi. Trên lý thuyết, tôi vẫn có thể vừa là tổng thống Hoa Kỳ, vừa điều hành công ty của tôi 100%. Tổng thống Mỹ được phép có được mọi xung đột nếu muốn ». Donald Trump đã nhấn mạnh như trên, trong cuộc trả lời phỏng vấn New York Times. Ông ta có lý phần nào. Theo quy định, tổng thống và phó tổng thống Mỹ có thể có các hoạt động kinh tế trong nhiệm kỳ của mình, còn các thành viên nội các thì không.

Công nhân đang xây dựng lễ đài cho lễ nhậm chức của Donald Trump. Ảnh chụp ngày 11/12/2016.

Ngược lại, Hiến pháp cấm mọi lãnh đạo chính trị chấp nhận bất kỳ bổng lộc nào từ một nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chi trả của một nhà ngoại giao nước ngoài hay một công ty nhà nước cho một khách sạn của Trump chẳng hạn, như khách sạn ở Washington, có thể đã vi phạm quy định này.

Điều tra

Với một Quốc hội do phe Cộng Hòa kiểm soát, mọi cuộc điều tra về chủ đề này chừng như dẫn đến thất bại. Stephen Vladeck, giáo sư chuyên về các quyền Hiến định ở trường đại học Texas nói với Mother Jones : « Chắc chắn là Quốc hội trên lý thuyết có thể kết luận việc vi phạm quy định trên có thể dẫn đến tiến trình truất phế. Nhưng điều này có vẻ bất khả, với thành phần Quốc hội sắp tới ».

Quyết tâm coi đây là góc độ tấn công thường xuyên vào Trump, nhiều đại biểu Dân Chủ dù vậy hôm thứ Hai đã yêu cầu chủ tịch ủy ban Quốc hội về giám sát và cải cách chính phủ mở điều tra về các xung đột lợi ích có thể xảy ra của Donald Trump. Nhưng chủ tịch ủy ban lại thuộc phe Cộng Hòa, và lời kêu gọi này hầu như hoàn toàn không có khả năng được thực hiện.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.