mardi 6 février 2018

Nguyễn Tiến Tường - Di sản tâm linh nặng trĩu



Cảnh chen chúc tại Khoa Nhi bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh Afamily.vn
Tôi chỉ có thể thốt lên như thế với quy hoạch nghĩa trang quốc gia 1.400 tỉ đồng cho cán bộ cao cấp. 

Nghìn tỉ trong bối cảnh hiện tại, là một miếng khi đói, là nắm thóc mùa giáp hạt. Là bao nhiêu trường học bệnh viện. Nơi nghĩa trang tọa lạc, rồng chầu hổ phục, phong thủy hữu tình. 105 hộ dân phải nhường chỗ cho người nằm xuống.

Làm Yên Trung, cũng đồng thời nâng cấp mở rộng Mai Dịch thành công viên quốc gia. Tôi nghĩ đến viễn cảnh một trăm hoặc hai trăm năm nữa, đất nước đã dành dụm được những gì. Nhưng chắc chắn, sẽ có thêm nhiều công trình như vậy. Người sống dần nhường chỗ để tôn vinh người mất. Không bà con họ hàng, không thọ ơn hưởng phước !

Bao giờ thì lãnh đạo mới chịu hiểu nơi an nghỉ ấm cúng nhất, thiêng liêng nhất là giữa lòng dân? Bao giờ mới thôi tự ru ngủ bằng việc lấy lăng tẩm đền đài nguy nga để mưu cầu sự thán phục của nhân dân? Đó là một não trạng vô cùng phong kiến. 

Quan nhất thời dân vạn đại, làm quan cởi áo về dân, được dân đón đã là may. Vinh phúc chút thì có chỗ đứng trong lịch sử. Lịch sử ấy, được kết bằng câu chuyện trong lòng dân, vô tư và sòng phẳng. 

Quan hay người thường, còn đang sống mà đã mưu cầu một nơi an nghỉ nguy nga tráng lệ, thì đó là tư duy vụ lợi. Cụ Hồ nằm xuống có mong lăng tẩm đền đài đâu? Tướng Giáp nằm xuống ở nơi xa xôi cách trở, bao nhiêu con dân nước Việt lặn lội tìm. Một Nguyễn Bá Thanh chưa quyền cao vọng trọng, vẫn an nghỉ lung linh trong câu chuyện của người dân. 

Những Sáu Dân, Kim Ngọc… trước đây còn sống cũng như mất, đơn sơ giản dị. Những bậc anh hùng nhân kiệt, khai quốc công thần người bỏ thây sa trường, người nhập hồn mộ gió, họ vẫn sống mênh mông giữa lòng nhân dân, nhân dân chưa quên họ một ngày nào. 

Đất nước qua chiến chinh đau khổ rồi, đất nước ấy rừng vàng biển bạc mà dân vẫn nghèo. Mong một nơi an nghỉ xa hoa, có hỗ thẹn với tiền nhân không? Có thấy ái ngại với nhân dân không? 

Đất nước nợ nần ngập đầu, tham nhũng tràn lan, sâu mọt đục khoét “ăn của dân không từ một cái gì”. Một người lãnh đạo cao cấp có thể vô can, đứng ngoài lợi ích nhóm. Nhưng để xảy ra sự nhiễu nhương ấy, cũng đã là chưa làm tròn chức sự. Sống không vĩ đại, đừng đòi chết phải vinh quang !

Quốc gia bệ rạc, lòng dân rã rời. Lãnh đạo sống lụa là gấm vóc, chết mong lăng tẩm đền đài. Ai trong số những người lèo lái đất nước hiện tại có thể đứng giữa nhân dân mà nói rằng mình xứng đáng được tôn vinh? Hãy trả lời câu hỏi đó trước khi nghĩ đến công trình nghìn tỉ. 

Làm nghĩa trang cấp quốc gia tức là đại diện cho nhân dân. Nhưng nếu nhân dân không tìm đến thì cũng sẽ trơ trọi buồn bã. Đó không khác gì một sự “cô lập” với nhân dân, đào sâu thêm khoảng cách, giống như khi đang sống. 

Một di sản tâm linh nặng trĩu !




PHẬN NGƯỜI NHƯ CÁI MÓNG TAY

Hồi bác Giáp mất, có di nguyện xin về quê an nghỉ. Cũng phải xin Bộ Chính trị, tranh cãi mãi rồi cũng được duyệt. Hồi đó đồn đoán nhiều, nói rằng bác không thích vào Mai Dịch. 

Chuyện nghĩa trang tôn vinh, chửi lãnh đạo cũng có phần oan. Tôi tin nhiều vị không muốn vào. Lãnh đạo xuất thân muôn nẻo. Cả đời sống ở thủ đô, cuối đời chỉ mong rắp mượn điền viên, nằm xuống cạnh con cháu. 

Ông Sáu Phong Nguyễn Minh Triết hồi lâu về Sông Bé nuôi yến. Ông Trương Vĩnh Trọng về Bến Tre làm người miệt vườn. Ông Công Tạn đi nuôi vịt trời... sống lại gốc gác, tìm bản ngã. Tự dưng mai mốt, lại bắt người ta ra nghĩa trang xa xôi nằm, cũng vô lý. 

Làm quan to nhưng con cháu họ mạc ở quê. Mỗi năm năm bảy dạo lặn lội nhang khói, cũng cám cảnh âm dương cách biệt. Chi bằng để con cháu tự quyết. Con cháu họ chắc cũng chẳng thiếu tiền, muốn mấy nghìn tỉ tùy thích. Còn như con cháu nghèo mà bắt họ vô nằm nơi sang trọng, cũng khó coi. 

Hồi tôi đọc một bài báo chú Sáu Nghệ viết ở Đồng bằng Sông Cửu Long, về một anh hùng nằm trong nghĩa trang. Mẹ mất, con cháu xin rước ông về đoàn tụ nhưng bao nhiêu lần đơn, chính quyền không duyệt vì "tiêu chuẩn" của ông là như thế. Thật, cười mà như dao cắt.

Tôi thật không hiểu, tại sao cứ trói buộc nhau trong lý tưởng quang vinh; khi mà lý tưởng đó rõ ràng là vụ lợi, tạo ra bất công và chống lại sự tiến bộ. Thậm chí tước đoạt quyền sơ đẳng của con người. Đó là lý tưởng cực đoan. 

Lê Lựu trong Thời Xa Vắng viết: Đã có thời lý tưởng vô hình can thiệp thô bạo, đè nén đến tận cảm xúc của con người. Người ta rất sợ hãi và căm phẫn thứ lý tưởng cay nghiệt đó nhưng không dám phản kháng... 

Bao nhiêu năm rồi, Thời Xa Vắng vẫn còn nguyên đây. Đừng hỏi sao đất nước còn lầm lũi...

Những nấm mồ to hơn sự thật
Còn phận người như cái móng tay!!!


FB NGUYỄN TIẾN TƯỜNG 02.02.201804.02.2018


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.